Mừng cho các nữ tuyển thủ, khi mà nỗ lực của Ban Huấn luyện và toàn đội bóng được đền đáp xứng đáng. Lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá Việt Nam được thi đấu ở sân chơi lớn nhất thế giới. Tuyển nam chưa từng làm được điều này dù được kỳ vọng rất lớn, nên khi tuyển nữ làm được thì họ nhận được "cơn mưa" khen thưởng là dễ hiểu, bởi Việt Nam là một trong những quốc gia hâm mộ bóng đá hàng đầu thế giới, khi đạt thành tích cao thì các giới, ngành trong xã hội không tiếc tiền thưởng công.
Tạm gác cơn phấn khích hiện thời, chúng ta công tâm nhìn nhận rằng sắp tới, khi vào VCK Bóng đá nữ thế giới, chạm trán những đối thủ sừng sỏ, tuyển thủ Việt Nam có thể khó tránh những thất bại. Thất bại vì thực lực cầu thủ còn yếu, thất bại vì đầu tư cho bóng đá nữ chưa căn cơ…
Trước nay, bóng đá luôn là môn thể thao vua. Nhưng ở Việt Nam (và khá nhiều quốc gia), bóng đá nam mới đích thị là vua, còn bóng đá nữ thì không được xem trọng. Bằng chứng là số lượng người xem các giải đấu nữ luôn rất thấp so với giải đấu nam, các Liên đoàn Bóng đá quốc gia cũng ít quan tâm hơn và các nhà tài trợ cũng không mặn mà với bóng đá nữ.
Về đào tạo, chỉ một số địa phương phát triển mạnh bóng đá nữ như TP HCM, Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh..., còn lại ở hầu hết tỉnh - thành, bóng đá nữ có mà như không! Thế mới dẫn đến chuyện đầu tư cho bóng đá nữ theo kiểu "nước chảy chỗ trũng" - những nơi có phong trào mạnh thì tiền rót về nhiều, nhờ đó phát triển hơn; ngược lại, những nơi bóng đá nữ nhàn nhạt thì người thiếu - tiền không, thành ra chẳng vươn lên nổi. Hiện trạng thiếu đồng bộ này dẫn tới sự bất cân xứng giữa các địa phương, ví như trong đội tuyển nữ quốc gia hiện nay, phần đông là nhân sự của TP HCM!
Do vậy, để phát triển bóng đá nữ một cách căn cơ, bền vững thì vấn đề đặt ra là phải giải quyết từ gốc. Cụ thể là đào tạo thế hệ trẻ cũng phải "lớp lang" như bóng đá nam. Mà đã quan tâm đến thế hệ trẻ thì điều không thể không tính tới ngay từ đầu là chăm lo cho... "thế hệ già", nói rõ ra là công ăn việc làm của nữ cầu thủ sau khi giải nghệ, để ngay từ đầu họ an tâm theo nghiệp.
Từ những năm 2000-2003, Báo Người Lao Động từng đăng một số phóng sự về các nữ cầu thủ sau khi treo giày phải đi bán bánh mì, báo dạo, vé số. Nay, 20 năm sau, không ít người cũng thế, sau hào quang sân cỏ là họ phải mưu sinh nhọc nhằn đủ kiểu, nào đánh giày, bán nước mía, quét rác, công nhân... Nhiều người trong số họ biết làm gì khác vì không bằng cấp, học chưa hết phổ thông là đã gắn với nghiệp quần đùi áo số!?
Thế nên, cũng dễ hiểu vì sao nhiều nữ cầu thủ dù cảm kích trước các phần quà là học bổng đại học nhưng không hào hứng, vì "theo" sao cho nổi!
Vinh danh các nữ tuyển thủ mới đây, các vị lãnh đạo trung ương đều quan tâm, chỉ đạo phải chăm lo đời sống nữ cầu thủ hậu sự nghiệp sân cỏ. Để xem, sau thành tích mới nhất này, tình hình có khác trước hay không?
Bình luận (0)