Đây là ý đại thể của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời tại Quốc hội về giá sách giáo khoa (SGK) phi mã, tăng gấp 2-3 lần bộ sách cũ.
Rất rõ ràng. Đã xã hội hóa thì tiền nào của nấy. Doanh nghiệp bỏ tiền ra biên soạn, in ấn thì được bán với giá mong muốn sau khi được cơ quan chức năng phê duyệt. Phụ huynh rất khó hy vọng con em sẽ được học với bộ sách giá rẻ, được hỗ trợ như trước đây. Giá cả tăng không chỉ ở mỗi SGK mà còn có học phí, tiền cơ sở vật chất, môn phụ đạo... Khó khăn càng lớn là chi phí giáo dục luôn chiếm tỉ trọng đáng kể trong "rổ chi tiêu" của từng gia đình. Chi phí này là bắt buộc không có lựa chọn và không cho phép từ chối nếu không muốn con em mình thất học.
Nền giáo dục chủ đạo hiện nay là giáo dục công. Chúng ta không ảo tưởng chi phí giáo dục cho con em mãi bình ổn trong khi giá cả mọi thứ đều tăng. Nhưng chúng ta có quyền đòi hỏi chi phí này tăng hợp lý và tương đồng với mức tăng chung của đời sống. Chi phí cho giáo dục tăng cao bất ngờ trong khi mức sống của nhiều người chưa tăng tương xứng, dịch bệnh chưa chấm dứt, kinh tế còn đang hồi phục... thì rõ là chưa thỏa đáng.
Khoảng 2 năm trước, khi các nhà xuất bản công bố giá 5 bộ sách lớp 1 mới với giá gần 200.000 đồng/bộ dư luận đã rất không bằng lòng. Thế nhưng đến nay, giá SGK vẫn cao và phụ huynh dù muốn hay không phải chấp nhận. Hãy hình dung, cả nước có gần 20 triệu học sinh. Với giá SGK như hiện nay thì mỗi năm tốn gần 4.000 tỉ đồng. Một con số không nhỏ trong khi SGK mới có dùng được cho những năm tiếp theo hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Không dùng tiếp thì sẽ trở thành rác và lứa học sinh tiếp theo lại phải mua SGK khi bắt đầu năm học mới.
Vậy có thể giảm được chi phí trên hay không? Thưa rằng có, bằng cách tiết kiệm. Bài học tiết kiệm này, các nước được xem là giàu đã thực hiện.
Tại các trường công ở Mỹ, phụ huynh bậc tiểu học và trung học phổ thông không phải mua SGK cho con. Tất cả sách được trường sắm và cho học sinh mượn học. Hết môn học trả sách lại thư viện. Ở Canada, SGK tiểu học được trường mua để tại thư viện. Học sinh tiểu học không cần mang sách về nhà vì không có bài tập ở nhà. Chỉ khi nào làm hư sách thì phụ huynh phải mua bồi hoàn. Sách năm này có thể sử dụng cho các năm tiếp theo. Bài tập không được in trong sách mà được giáo viên in riêng từng trang giấy riêng để học sinh giải. Kết quả có thể mang về nhà để phụ huynh tham khảo.
Những quy định trên đã dạy cho học sinh bài học về sự tiết kiệm ngay những năm đầu đời. Tiết kiệm được không chỉ là tiền mua SGK mà việc dùng chung sẽ giữ lại được hàng vạn tấn gỗ làm giấy, không tốn tiền tiêu hủy rác thải từ việc vứt sách cũ...
Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành SGK ở ta đã diễn ra hơn 8 năm. Chủ trương cải cách giáo dục cũng đã vài chục năm. Thế nhưng năm nào cũng vậy, vấn đề dạy và học luôn làm nặng lòng phụ huynh và học sinh. Việc này, nghĩ đã đến lúc cần từng bước chấm dứt và việc làm đầu tiên là tiết kiệm từ SGK
Bình luận (0)