Lãi suất đang có những tín hiệu tích cực do sự tác động từ yếu tố trong nước lẫn quốc tế. Trên thị trường quốc tế, đồng USD giảm mạnh khoảng 1 tháng qua đã góp phần giúp tỉ giá USD/VNĐ hạ nhiệt. Thị trường đang chờ đợi kết quả từ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nếu đúng như dự đoán FED chỉ tăng lãi suất khoảng 0,5 điểm % trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ có dư địa và tiếp tục "dễ thở" hơn.
Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn, NH Nhà nước đã hạ giá bán USD 4 lần và hiện về mức 28.830 đồng/USD - giảm 40 đồng so với trước đó. Yếu tố tâm lý găm giữ USD đã phần nào được giải tỏa; nguồn ngoại tệ dồi dào từ kiều hối, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cán cân thương mại thặng dư… cũng góp phần giúp tỉ giá hạ nhiệt.
Đáng chú ý, lãi suất cho vay đã bắt đầu hạ khi nhiều NH thương mại triển khai chính sách hỗ trợ đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Thông tin từ NH Nhà nước cho thấy với room tín dụng được nới thêm 1,5%-2%, tương đương 240.000 tỉ đồng sẽ được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng là 12,2%, room tín dụng theo phân bổ chỉ tiêu 14% thì vẫn còn 1,8%. Nếu cộng gần 2% tăng thêm thì sẽ có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian cuối năm, kể cả qua Tết Nguyên đán.
Khi thêm room tín dụng, các doanh nghiệp (DN) đang thiếu vốn sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý hơn, có thêm sự lựa chọn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh mùa cao điểm cuối năm. Các NH cũng có thêm điều kiện giải ngân vốn tín dụng cho khách hàng cá nhân và DN có nhu cầu.
Có điều, để dòng vốn này đi đúng hướng, đúng lĩnh vực và DN tiếp cận được, cần sự nỗ lực của cả NH thương mại lẫn DN. NH thương mại sẽ lựa chọn DN nào thuộc lĩnh vực ưu tiên, gắn bó với họ nhiều năm, ở phân khúc có tác động lan tỏa. NH sẽ đưa vào danh sách ưu tiên giải ngân vốn sau khi room tín dụng được cấp thêm.
Hỗ trợ giảm lãi suất là một trong những chỉ tiêu được NH Nhà nước xem xét để nới room tín dụng cho NH thương mại. Một số NH cho biết rất muốn giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN lĩnh vực ưu tiên. Song, thực tế là rất ít DN đáp ứng được yêu cầu, chỉ tiêu theo quy định. Bởi lẽ, những DN tốt, tài chính khỏe thường đã được hỗ trợ lãi suất vay thấp; trong khi không ít DN thiếu vốn lại đang có nợ xấu, gặp khó khăn về dòng vốn, doanh thu…
Do đó, để nhu cầu vốn của DN và sự hỗ trợ của NH thương mại gặp nhau, NH Nhà nước cần có tiêu chí cụ thể về việc ngành nào sẽ được ưu tiên giảm lãi suất vay, đồng thời hướng dẫn để định hướng dòng vốn vào đúng lĩnh vực cần. Hạn mức cấp tín dụng cho từng DN cũng phải phù hợp với room mà NH đang có.
Ngoài ra, cần thêm chính sách hỗ trợ của NH Nhà nước để các NH thương mại giải quyết bài toán thanh khoản, tránh tình trạng còn room nhưng không cho vay được vì tỉ lệ cho vay/huy động ở mức cao. Khi đó, việc nới room tín dụng mới thật sự hiệu quả, góp phần giải tỏa nhu cầu vốn của DN.
( Thái Phương ghi )
Bình luận (0)