Động thái này làm tăng niềm tin của thị trường và doanh nghiệp, mang lại hiệu ứng tốt cho thị trường BĐS trong dài hạn.
Nghị quyết 33 đề cập tương đối tổng thể những vấn đề trọng tâm cần tháo gỡ cho BĐS. Đây là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành, địa phương đưa ra những quyết định giải quyết điểm nghẽn về mặt thể chế. Còn những vướng mắc cụ thể ở từng dự án thì cần điều chỉnh ở phạm vi luật. Việc sửa đổi các luật liên quan BĐS nói chung và nhà ở nói riêng đang được thực hiện.
Tuy nhiên, có một số điều cần nhận diện rõ hơn.
Thứ nhất, Nghị quyết 33 giao cho các bộ, ngành, địa phương và 4 ngân hàng thương mại lớn của nhà nước xem xét, rà soát, quyết định thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Như vậy, từ nghị quyết đến thực tế vẫn còn những bước trung gian và thị trường, doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi thêm.
Thứ hai, để thực hiện mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội, cần có 1 triệu tỉ đồng. Gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ vừa được Chính phủ quyết định giao Ngân hàng Nhà nước triển khai chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu.
Đáng chú ý, đây là gói tín dụng cho vay với lãi suất rẻ hơn 1,5%-2% so với lãi suất bình quân trung - dài hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường, khác với gói cấp bù lãi suất 30.000 tỉ đồng trước đây. Bản chất của gói tín dụng ưu đãi lần này vẫn là ngân hàng huy động vốn để cho vay lại. Việc cho vay nhà ở xã hội với nguồn tín dụng rẻ hơn các phân khúc vay khác là bởi hệ số rủi ro của lĩnh vực này chỉ khoảng 50%, thấp hơn nhiều so với lĩnh vực khác. Như vậy, cho vay nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn một chút là điều đương nhiên, chưa phải gói ưu đãi đặc biệt - chẳng hạn một gói cấp bù lãi suất - cho lĩnh vực cần được ưu tiên này.
Nhìn chung, Nghị quyết 33 đã đề cập khá nhiều điểm mới, tích cực đối với thị trường BĐS. Chẳng hạn, xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ trái phiếu; cho phép đàm phán trả nợ trái phiếu bằng tài sản; không hình sự hóa quan hệ dân sự; ấn định thời hạn cụ thể cho các cơ quan, bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ… Điều này tạo sự yên tâm, tin tưởng cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư chứng khoán, BĐS và những lĩnh vực liên thông khác.
Về ngắn hạn, nhiều người cho rằng thị trường BĐS Việt Nam chưa thể tốt lên nhanh chóng. Khả năng hồi phục nhanh nhất là vào khoảng quý III/2024. Tuy nhiên, với niềm tin mà Nghị quyết 33 đem lại, thị trường BĐS có cơ sở và động lực để hồi phục tốt.
Bình luận (0)