"Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050" của Chính phủ đã khẳng định tăng trưởng xanh giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
TP HCM với vai trò là trung tâm công nghiệp, tài chính của Việt Nam - sẽ tiên phong và đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi xanh, trở thành xu hướng phát triển mới cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhìn tổng thể, TP HCM không chỉ chịu áp lực giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường mà còn đang đối mặt với những rào cản mới do yêu cầu của các thị trường quốc tế lẫn trong nước về môi trường và phát triển bền vững. Trong khi đó, một bộ phận doanh nghiệp chưa sẵn sàng, cũng như chưa đủ nguồn lực thực hiện chuyển đổi xanh. Trước thực tế này, TP HCM đã và đang dành nhiều nguồn lực và đầu tư lớn để giải quyết. Tuy nhiên, bối cảnh mới đòi hỏi phải có những giải pháp sáng tạo hơn để huy động nhiều nguồn lực tham gia chứ không phải đơn lẻ từ đầu tư công. Để giải quyết, vấn đề chuyển đổi xanh cần phải lồng ghép trong bài toán phát triển kinh tế, quy hoạch không gian và gắn với các vấn đề mang tính liên kết vùng như biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Theo đó, UBND TP HCM đã ban hành Kế hoạch tổng thể, toàn diện với nhiều nội dung cụ thể, phấn đấu để đạt mục tiêu kinh tế thành phố là kinh tế xanh, tăng trưởng kinh tế thành phố là tăng trưởng xanh, đô thị thành phố phát triển bền vững, gắn tăng trưởng với bảo vệ môi trường và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Chiến lược tăng trưởng xanh của TP HCM đã xác định các lĩnh vực tác động chủ yếu đến kinh tế xanh, bao gồm phát triển năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng; phát triển phương tiện giao thông công cộng, xe điện; sản xuất nông nghiệp xanh, tăng sản phẩm thực vật; tăng diện tích cây xanh, bảo tồn khu sinh quyển…
Đặc biệt, các giải pháp cho phát triển kinh tế xanh đã được đề cập khá rõ trong Nghị quyết 98. Trong đó, thành phố đã và đang triển khai các giải pháp ngắn hạn, sắp tới sẽ đẩy mạnh hơn nữa. Cụ thể, TP HCM tập trung xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh; tích hợp tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, tăng trưởng xanh, trung hòa carbon là bài toán toàn cầu, các quốc gia đã và đang rất nỗ lực trong vấn đề này. TP HCM với vị thế của người tiên phong sẽ có nhiều cơ hội nhận sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Nếu làm tốt, TP HCM sẽ đóng góp tích cực cho Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong về chuyển đổi xanh trong khu vực, hướng đến net zero đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên cộng đồng quốc tế.
Bình luận (0)