Các chuyên gia năng lượng dự báo: Với tình hình xung đột Nga - Ukraine còn căng thẳng, giá dầu sẽ vượt ngưỡng 150 USD/thùng trong một ngày không xa. Tình hình giá năng lượng thế giới biến động bất lợi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam, nhất là khi ngày mai (11-3), liên bộ Tài chính - Công Thương bắt tay điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước theo chu kỳ 10 ngày?
Các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối trong nước đều báo lỗ hơn tuần qua, bình quân 3.000 - 3.800 đồng trên mỗi lít xăng và dầu diesel bán ra. Nguyên nhân là từ ngày 1-3 đến nay, giá nhiên liệu thành phẩm chúng ta nhập qua thị trường Singapore đã tăng đến 20%, trong khi đó mọi chi phí khác đều giữ nguyên. Áp lực đang dồn lên hệ thống phân phối xăng dầu trong nước là có thật và khả năng ngày 11-3 sẽ có đợt tăng giá mạnh là điều đã được dự báo trước, để vừa bắt nhịp với giá thế giới vừa giải tỏa sức ép cho các DN đầu mối, qua đó bảo đảm nguồn cung cho sản xuất và tiêu dùng nội địa.
Nhưng vấn đề là giá xăng dầu sẽ tăng đến mức nào và các cơ quan quản lý, điều hành giá phải điều tiết ra sao cho phù hợp với sức chịu đựng của DN sản xuất và người tiêu dùng ở giai đoạn khó khăn hiện nay?
Lời giải cho bài toán chính là bóc tách bớt một vài loại thuế, phí. Theo cơ cấu giá hiện nay, 1 lít xăng RON95 chịu đến 44% thuế, phí (cùng nhiều khoản khác). Riêng về thuế, xăng chịu 4 loại gồm: thuế nhập khẩu (10% giá nhập tại cảng), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB: 10% giá nhập tại cảng), thuế GTGT (10%, chưa được hưởng mức 8% theo ưu đãi mới nhất về thuế GTGT) và thuế bảo vệ môi trường (BVMT: xăng RON95 là 4.000 đồng/lít, RON92 là 3.800 đồng/lít). Giảm bớt mức đóng một số sắc thuế trong một khoảng thời gian để kìm đà tăng của giá xăng là giải pháp hoàn toàn có thể áp dụng được vào lúc này.
Cụ thể là thuế BVMT. Mức người mua phải chịu trong 1 lít xăng như vậy là quá cao, trong khi hiệu quả bảo vệ môi sinh chưa từng được công khai một cách định lượng! Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất giảm 1.000 đồng thuế BVMT trên mỗi lít xăng nhưng bị "chê" quá ít. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng mức phù hợp ít nhất phải là 2.000 đồng.
Ngoài ra, cần xem lại thuế suất thuế TTĐB 10% đối với các mặt hàng xăng. Mục đích của thuế TTĐB là đánh vào hàng hóa xa xỉ như ôtô, máy bay, du thuyền... hoặc sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá..., trong khi đó xăng là mặt hàng thiết yếu, người giàu lẫn người nghèo đều phải dùng, sao lại buộc bên mua chịu thuế suất cao đến thế? Một số công cụ điều tiết khác là xả mạnh quỹ bình ổn, hiện còn kết dư khoảng 620 tỉ đồng. Căn cơ hơn, phải duy trì được năng lực cung ứng của 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất, đặc biệt là phải khắc phục cho được những vấn đề của Nghi Sơn hiện nay.
Chỉ khi nào tự chủ được nguồn cung, giảm thiểu đến mức thấp nhất sự phụ thuộc vào xăng dầu thành phẩm nhập khẩu; cùng với đó là năng lực điều hành giá linh hoạt, sáng suốt, công minh... thì giá bán lẻ xăng dầu trong nước mới thôi nhiều phen khiến người tiêu dùng giật thót!
Bình luận (0)