Đây là hạng mục quan trọng của dự án nhà máy sản xuất polypropylene có tổng mức đầu tư 1,35 tỉ USD. Công trình này nằm dưới độ sâu từ hơn 100 m đến gần 200 m so với mực nước biển, với sức chứa 240.000 tấn.
Theo thiết kế, dự án này khi vận hành 100% công suất thì sẽ đóng góp cho ngân sách hằng năm khoảng 80 triệu USD, đó thực sự là một khoản thu không hề nhỏ. Điều quan trọng hơn chính là ở chỗ dự án này nằm trong chủ trương hướng đến nền "công nghiệp xanh" nên các kỹ thuật an toàn và tiên tiến nhất để những gì cất chứa trong kho ngầm không rò rỉ ra ngoài đã được áp dụng, độ an toàn được xác định gần như tuyệt đối kể cả khi xảy ra động đất, sóng thần hay núi lửa.
Về chủ trương hướng đến nền "công nghiệp xanh", Ban Thường vụ Tỉnh ủy BR-VT đã cụ thể hóa bằng việc ban hành một chỉ thị về thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó nêu rõ 8 loại hình dự án không thu hút đầu tư, như chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, sản xuất hóa chất cơ bản, nhuộm, thuộc da, sản xuất thép (trừ dự án sản xuất thép chất lượng cao), sản xuất giấy các loại hoặc bột giấy... Ngoài ra, còn có các dự án hạn chế thu hút đầu tư như: Công nghiệp xi mạ, chế biến hải sản, sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp...
Lãnh đạo tỉnh BR-VT cho biết tất cả những điều đó là nhằm hướng đến mục tiêu vào năm 2030 mọi người dân của tỉnh này đều được sống trong môi trường khỏe mạnh, hạnh phúc và được hưởng nhiều phúc lợi, thúc đẩy cơ hội được học tập suốt đời. Mục tiêu như vậy là rất rõ ràng: Hướng đến lợi ích cho người dân. Nói một cách khác là vì lợi ích của dân mà làm.
Thực ra, câu "Vì lợi ích của dân mà làm" thì chúng ta vẫn thường nghe lãnh đạo của nhiều địa phương, bộ, ngành nói. Có điều là không phải lãnh đạo địa phương hay bộ, ngành nào cũng làm đúng như nói. Cho nên, chúng ta vẫn thấy lãnh đạo của không ít nơi lôi kéo, mời gọi đầu tư bằng mọi giá, theo kiểu "thành tích nhiệm kỳ". Đấy là chưa nói đến việc lợi dụng vào làm dự án để tham nhũng, hưởng hoa hồng, "lại quả". Hậu quả là không chỉ nhiều dự án kém hiệu quả do công nghệ lạc hậu, dự án "trùm mền", đội vốn mà còn không ít dự án gây ô nhiễm, thậm chí đe dọa tính mạng người dân khiến dân tình bức xúc, phản ứng gay gắt.
BR-VT thì nói là làm và đang làm đúng những gì đã nói. Cụ thể là dự án Kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng nói trên chỉ là một trong những dự án công nghệ cao được tỉnh này chú trọng thu hút thì còn có dự án Hóa dầu Long Sơn, Trung tâm logistics Cái Mép Hạ... Những nhà đầu tư của dự án này đều phải cam kết bảo đảm các tiêu chuẩn của "công nghiệp xanh" và tỉnh kiểm soát chặt chẽ việc này.
Rất hoan nghênh chủ trương và cách làm của BR-VT. Mong sẽ có thêm nhiều địa phương khác nữa cũng sẽ làm như BR-VT, cũng vì lợi ích của người dân để phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững.
Bình luận (0)