Thông báo của Trường ĐH Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa) cho thấy theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngành có điểm trúng tuyển cao nhất vào trường lên tới gần 40 điểm (thang điểm 40).
Cụ thể, bậc ĐH, 2 ngành có mức điểm trúng tuyển cao nhất là sư phạm ngữ văn chất lượng cao và sư phạm lịch sử chất lượng cao - cùng 39,92 điểm. Như vậy, nếu không có điểm ưu tiên, tính trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển ngành sư phạm lịch sử cũng là ngành có mức điểm trúng tuyển rất cao, với 29,75 điểm (thang điểm 30). Trung bình mỗi môn thí sinh phải đạt gần 9,92 điểm mới trúng tuyển. Ngành sư phạm toán học chất lượng cao có điểm chuẩn xếp thứ 3, là 35,43 điểm.
Theo ông Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức, danh sách điểm trúng tuyển của nhà trường chưa có thí sinh nào đạt 3 điểm 10 nhưng do có cả các điểm cộng ưu tiên nên có điểm 39,92. Lý giải lý do vì sao thí sinh đạt điểm gần như tuyệt đối mới trúng tuyển, ông Dũng cho hay từ năm 2018, Trường ĐH Hồng Đức đã có đề án đào tạo chất lượng cao ngành sư phạm theo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. Sinh viên theo học ngành đào tạo chất lượng cao của nhà trường được miễn phí tiền ở ký túc xá, được ưu tiên xem xét trong tuyển dụng. Đặc biệt, từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ có Nghị định 116 về hỗ trợ chế độ sinh hoạt phí cho đào tạo giáo viên, một sinh viên đi học ngành sư phạm được cấp 3.630.000 đồng/tháng. Chính những lý do này khiến nhiều thí sinh có điểm thi cao đăng ký xét tuyển.
Lý giải về mức điểm cao chót vót 29,9 mới trúng tuyển ngành báo chí, GS-TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, cho biết năm 2022, trường dự kiến tuyển 55 chỉ tiêu ngành báo chí học. Trường sử dụng 5 phương thức tuyển sinh, trong đó dành 25/55 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Ngành học này tuyển sinh bằng 6 tổ hợp (A01, C00, D01, D04, D78, D83). Tính trung bình mỗi tổ hợp chưa tới 5 chỉ tiêu trúng tuyển. Trong khi đó, trường nhận được tổng cộng 2.544 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành báo chí học bằng khối C00. Còn lại các tổ hợp khác, số nguyện vọng không nhiều, chỉ khoảng vài chục đến vài trăm. Như vậy, có thể thấy tỉ lệ chọi vào ngành báo chí học năm nay rất cao ở khối C00, khoảng 1 chọi hơn 500 thí sinh.
Lãnh đạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn lý giải thêm năm nay điểm thi tốt nghiệp THPT tổ hợp C00 cũng được đánh giá cao hơn các năm trước, đặc biệt ở môn lịch sử. Số lượng thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên nhiều hơn năm 2021. Điều này khiến điểm chuẩn ngành báo chí học tăng cao, tiệm cận ngưỡng điểm tuyệt đối. Nhà trường cũng ghi nhận nhiều ngành học nhận được khối lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển lớn như: Quan hệ công chúng 2.100 nguyện vọng, điểm chuẩn 29,95; khoa học quản lý gần 2.000 nguyện vọng, điểm chuẩn 29... Các ngành tuyển tổ hợp C00 khác điểm chuẩn cao, dao động 27- 28 điểm như tôn giáo 25,5 điểm, nhân học 26,75 điểm, Hán Nôm 27,5 điểm. Trong khi đó, các ngành khối D, mức điểm chuẩn từ 24 đến 27,5. Ở khối này, ngành quan hệ công chúng, báo chí có điểm chuẩn dao động ở mức 27,25 - 27,5 điểm.
Nhiều ngành học điểm chuẩn cao chót vót sẽ không tránh khỏi việc thí sinh dù điểm rất cao vẫn không đậu vào ngành mình đã đăng ký và cũng có thể trượt "oan" nếu không cẩn trọng trong việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung sắp tới.
Bình luận (0)