Không nằm ngoài xu hướng đó, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh để bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương "phát triển nhanh và bền vững" và phát triển kinh tế xanh: "Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường".
Thực tế, kinh tế tuần hoàn là một giải pháp tiếp cận giúp giải bài toán kinh tế xanh. Quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi chúng ta có những cách thức thông minh, khôn khéo, linh hoạt, sáng tạo hơn.
Tuy nhiên, cần nhiều nỗ lực và quyết tâm hơn nữa để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng chính sách này thành những chương trình hành động cụ thể; có văn bản pháp lý hướng dẫn rõ ràng cho chính quyền lẫn doanh nghiệp (DN) thực thi. Rất nhiều việc phải làm, trong đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị, chính quyền lẫn DN phải tích cực tham gia, làm tốt phần việc của mình nhằm tiến tới tăng trưởng xanh.
Trong bối cảnh hiện tại buộc DN phải nhanh chóng chuyển đổi xanh. Sản xuất xanh đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhiều DN, nhất là DN xuất khẩu dệt may, da giày, đồ gỗ… và cả nông sản.
Các quốc gia phát triển trên thế giới ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về sản xuất xanh từ nguyên vật liệu sử dụng phải xanh; quá trình sản xuất, tiêu thụ như nguồn năng lượng, xả thải, ô nhiễm không khí, lao động xã hội…
Đòi hỏi xanh hóa không chỉ giới hạn trong lĩnh vực xuất khẩu mà ngay ở thị trường nội địa. Nếu không thay đổi, DN sẽ đối diện nguy cơ bị mất đơn hàng, thậm chí là mất thị trường.
Trong điều kiện đại đa số DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ còn nhiều hạn chế về tài chính lẫn nguồn lực con người, trình độ khoa học - công nghệ… thì để đi tới phát triển bền vững, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước.
Song song đó, nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN tiếp cận nguồn lực về vốn, nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ…
Dĩ nhiên, DN phải chủ động chuẩn bị nguồn lực cho mình, xây dựng tầm nhìn trung và dài hạn. Bởi nếu DN có dự án tốt, có chiến lược rõ ràng thì sẽ thu hút được đầu tư để phát triển.
Chúng ta chỉ mới ở xuất phát điểm trong xu hướng phát triển kinh tế xanh. Tuy nhiên, với lợi thế của nước đi sau, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Bình luận (0)