Theo đài RT, dự luật này dự kiến cùng với các dự luật viện trợ cho Israel và các đồng minh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tổng cộng 95 tỉ USD, sẽ được Thượng viện nhanh chóng thông qua vào ngày 23-4 (giờ địa phương) và Tổng thống Joe Biden ký ngay sau đó.
Theo Guardian, trong dự luật viện trợ cho Ukraine, khoảng 23 tỉ USD sẽ được Mỹ sử dụng để bổ sung kho dự trữ quân sự của mình, mở đường cho việc chuyển giao quân sự của Mỹ cho Ukraine trong tương lai.
14 tỉ USD khác sẽ dành cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, theo đó Lầu Năm Góc mua các hệ thống vũ khí mới tiên tiến cho quân đội Ukraine trực tiếp từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Ngoài ra còn có hơn 11 tỉ USD tài trợ cho các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ trong khu vực, nâng cao năng lực của quân đội Ukraine và thúc đẩy hợp tác tình báo giữa Kiev và Washington.
Khoảng 8 tỉ USD hỗ trợ phi quân sự, như giúp chính phủ Ukraine tiếp tục các hoạt động cơ bản, bao gồm cả việc trả lương và lương hưu.
Dự luật mới cũng bao gồm các đề xuất cho phép Mỹ tịch thu tài sản ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng để tái thiết Ukraine.
Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: "Tôi kêu gọi Thượng viện nhanh chóng chuyển dự luật này đến bàn của tôi để tôi có thể ký ban hành luật và Mỹ nhanh chóng gửi vũ khí và thiết bị đến Ukraine nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trên chiến trường của họ".
Phản ứng trước diễn biến trên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ sự "biết ơn" đến lưỡng đảng tại Hạ viện và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson vì "quyết định giúp lịch sử đi đúng hướng". Tổng thống Ukraine cũng cho rằng việc Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự chứng tỏ rằng Ukraine sẽ không bị phương Tây bỏ rơi trong nỗ lực chống lại Nga.
Tổng thống Zelensky kêu gọi Thượng viện Mỹ nhanh chóng phê duyệt gói viện trợ và cảnh báo rằng nước này đang chuẩn bị hoạt động phòng thủ vì lo ngại Nga sắp tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn trước khi nguồn viện trợ đến được tiền tuyến.
Bình luận (0)