Theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng để đáp ứng nhu cầu giao thông cũng như kết nối giao thông liên vùng
Thủ đô Hà Nội được định hướng phát triển thành đô thị hiện đại với một trong những trục không gian trung tâm đặc biệt chạy dọc theo sông Hồng. Để hiện thực hóa định hướng đó, hệ thống cầu vượt sông Hồng có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng.
9 cây cầu bắc qua sông Hồng sắp được xây dựng
Hiện, Hà Nội có 9 cây cầu bắc qua sông Hồng gồm: Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Thịnh, Nhật Tân, Văn Lang, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Tại Quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thủ đô sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng để đáp ứng nhu cầu giao thông cũng như kết nối giao thông liên vùng. Ngoài 9 cầu đã đưa vào sử dụng nêu trên, 9 cây cầu còn lại sẽ được xây dựng thời gian tới gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (trên tuyến Vành đai 4); Thăng Long mới (Vành đai 3); Tứ Liên, Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5); Trần Hưng Đạo; Phú Xuyên; Vân Phúc (trên tuyến đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Theo chuyên gia giao thông đô thị Đặng Minh Tân, với kế hoạch xây dựng các cầu vượt sông Hồng, những điểm bế tắc trên lộ trình kết nối trung tâm thành phố với khu vực ngoại thành, liên tỉnh sẽ được khơi thông; cùng với đó để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị Hà Nội đồng đều, toàn diện hai bên bờ sông Hồng. Do đó, việc xây dựng các cây cầu không chỉ có ý nghĩa về giao thông mà còn là cơ hội. Ví dụ, ở phía Tây - Bắc Hà Nội, các cây cầu: Thượng Cát, Tứ Liên (bao gồm cả những tuyến đường dẫn 2 đầu cầu) được xem như những trục lõi để thúc đẩy sự phát triển cho khu vực đô thị phía Đông Vành đai 4 thuộc các quận, huyện: Đông Anh, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đan Phượng và Hoài Đức.
Cầu Thượng Cát có vai trò quan trọng là lắp thêm một mảnh ghép liên kết Vành đai 3,5, góp phần giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến đường Vành đai 3 trong tương lai; tạo trục lõi để phát triển đô thị phía Tây thành phố. Khi hoàn thành, cầu Thượng Cát sẽ bảo đảm các điều kiện về hạ tầng GTVT phục vụ chuỗi đô thị dọc tuyến đường.
"Cầu Tứ Liên sẽ tạo nên một mối liên kết từ các điểm du lịch khu vực Hồ Tây đến Cổ Loa (Đông Anh), hình thành một trục không gian cảnh quan văn hóa đô thị đặc sắc" - ông Tân cho hay.
Cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở là 2 cầu thuộc dự án giao thông trọng điểm quốc gia: đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội. Trong đó cầu Mễ Sở bắc qua sông Hồng, kết nối huyện Thường Tín (Hà Nội) với huyện Văn Giang (Hưng Yên) có tổng mức đầu tư khoảng 4.881 tỉ đồng, với mục đích phân luồng giao thông, giảm phương tiện vào khu vực nội đô thành phố. Đồng thời tăng hiệu quả khai thác của 2 tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Hà Nội - Hải Phòng, góp phần làm giảm thiểu lượng phương tiện vào nội đô Hà Nội; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và các tỉnh lân cận.
Còn cầu Hồng Hà nằm trên địa bàn thôn Bồng Lai, thuộc xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng) nối với xã Văn Khê (huyện Mê Linh), có tổng mức đầu tư ước khoảng 10.000 tỉ đồng. Nhiệm vụ chính là giảm tải mật độ phương tiện qua cầu Thăng Long, rút ngắn thời gian kết nối, tăng cường việc giao thương của phía Tây Hà Nội và các tỉnh tiếp giáp.
Kết nối giao thông, phát triển kinh tế vùng
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi làm việc về tình hình triển khai đầu tư xây cầu qua sông Hồng, gồm: cầu Tứ Liên (nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh), cầu Ngọc Hồi (nối huyện Gia Lâm và Thanh Trì) và cầu Trần Hưng Đạo (nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên). Chủ tịch UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương chuẩn bị đầu tư 3 dự án cầu nói trên trong năm 2025 bằng hình thức đầu tư công.
Ông Phan Trường Thành, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GTVT Hà Nội, cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đã xác định 3 công trình cầu này vào nhóm đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, cầu Tứ Liên đã được Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề cao đối với Hà Nội là phải sớm triển khai ngay, nhằm phục vụ phát triển khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng. Ba dự án cầu Tứ Liên, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, sẽ được thông qua chủ trương đầu tư trong quý I/2025 và khởi công vào quý III/2025.
Tổng mức đầu tư của cầu Tứ Liên khoảng 26.000 tỉ đồng; cầu Trần Hưng Đạo khoảng 14.500 tỉ đồng và cầu Ngọc Hồi khoảng 11.500 tỉ đồng. Về nguồn vốn, cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo, Hà Nội định hướng sử dụng 100% vốn ngân sách thành phố. Riêng cầu Ngọc Hồi sẽ sử dụng 3 nguồn vốn, gồm: ngân sách TP Hà Nội, ngân sách của tỉnh Hưng Yên và ngân sách Trung ương. Thời gian xây dựng dự kiến khoảng từ 24-36 tháng kể từ ngày khởi công.
Theo ông Thành, việc đầu tư 3 cây cầu nhằm mục tiêu giảm tải cho các cầu: Thăng Long, Thanh Trì, mở thêm hướng kết nối hai bên bờ sông Hồng, tạo tiền đề phát triển khu vực từ Bắc xuống Nam thủ đô. Định hướng ban đầu, cầu Ngọc Hồi sẽ sử dụng vốn đầu tư công, cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Tuy nhiên, để các dự án sớm triển khai, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất và được cấp có thẩm quyền thành phố chấp thuận cho chuyển toàn bộ 3 cây cầu sang đầu tư công.
Trong đó cầu Tứ Liên và Ngọc Hồi sẽ ưu tiên triển khai trước do vai trò quan trọng của nó với hệ thống giao thông thủ đô. Cầu Trần Hưng Đạo có thể sẽ chậm hơn một chút. Nguyên nhân là do cầu Ngọc Hồi nằm tại khu vực Vành đai 3,5 đi từ Bắc xuống Nam, nhiều đoạn tuyến được hoàn thiện. Đặc biệt, cầu Thượng Cát hiện đã cơ bản hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư. Nếu cầu Ngọc Hồi được triển khai song song sẽ nối thông được toàn bộ Vành đai 3,5, thúc đẩy kết nối với tỉnh Hưng Yên.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội, nhấn mạnh việc thiếu các cầu lớn qua sông đã dẫn đến sự mất cân đối trong phát triển đô thị hai bên bờ Nam - Bắc sông Hồng nhiều năm qua. Có thêm nhiều cầu, Hà Nội sẽ phát triển toàn diện, đồng đều hơn.
Bình luận (0)