Theo phương án đoạt giải nhất cuộc thi được UBND TP Hà Nội công bố, cầu Thượng Cát gồm cầu chính 4 nhịp sử dụng kết cấu dây văng, trụ cầu thiết kế vuốt cong nhẹ sang hai bên thành cầu theo ý tưởng kiến trúc "Cánh chim hòa bình" vươn cao, mặt cắt ngang cầu chính rộng 37,4 m, số làn giao thông gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau khi phương án đoạt giải nhất được công bố đã xuất hiện những ý kiến cho rằng phương án này trùng lặp ý tưởng kiến trúc với cầu Thạch Hãn 1 đang được thi công ở Quảng Trị. Vào năm 2022, thiết kế cầu Thạch Hãn 1 với tên gọi "Đón bình minh" cũng đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế kiến trúc do chủ đầu tư tổ chức và đang được thi công.
Một điểm trùng hợp đáng chú ý là cả 2 bản thiết kế thắng giải nhất trên đều là của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI).
Tìm hiểu kỹ hơn, theo một số chuyên gia, phương án thiết kế cầu Thạch Hãn 1 và Thượng Cát dù giống nhau về hình dáng trụ tháp nhưng có những khác biệt về kết cấu kỹ thuật. Ví như cầu Thạch Hãn 1 là cầu extradosed (một dạng cầu dây văng có trụ tháp thấp) nhưng cầu Thượng Cát là cầu dây văng. Điểm khác nữa dễ nhận thấy là cầu Thạch Hãn 1 có 2 trụ tháp cao bằng nhau, trong khi cầu Thượng Cát có 3 trụ tháp, trong đó trụ ở giữa cao hơn 10 m so với 2 trụ còn lại… Quy mô 2 cầu cũng khác nhau xa, cầu Thượng Cát có tổng mức đầu tư gần 8.300 tỉ đồng, cao hơn gần 17 lần so với mức 500 tỉ đồng của cầu Thạch Hãn 1.
Cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng
Có những nhìn nhận, đánh giá khác nhau về phương án thiết kế 2 cây cầu Thượng Cát và Thạch Hãn 1, song có thể thấy sự trùng lặp về ý tưởng thiết kế. Đó là điều chủ đầu tư, chính quyền TP Hà Nội cần làm sáng tỏ để tất cả đều "tâm phục, khẩu phục" trước khi quyết định chọn phương án để đầu tư xây dựng.
Thông thường, phương án kiến trúc giành giải nhất sẽ được ưu tiên và có nhiều cơ hội nhất để trở thành kiến trúc chính thức của công trình. Song không nhất thiết phương án kiến trúc đoạt giải nhất phải được lựa chọn làm kiến trúc chính thức cho công trình bởi thực tế có trường hợp chủ đầu tư chọn phương án không phải giải nhất để thi công.
Cầu Thượng Cát là dự án hạ tầng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với giao thông thủ đô và dự kiến được khởi công xây dựng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thủ đô (10-10-2024). Với vai trò, ý nghĩa đó, việc chọn phương án xây dựng cần rất thận trọng, nếu cần có thể tổ chức thêm cuộc thi để chọn phương án thuyết phục cho một công trình quan trọng, có thời gian sử dụng lâu dài của thủ đô.
Bình luận (0)