Lần đầu tiên, "Giao lộ sáng tạo" của thủ đô sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu ở Hà Nội với hàng trăm hoạt động sáng tạo sôi nổi thuộc các lĩnh vực: kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo...
Khu vực chính diễn ra lễ hội là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, kết nối trục Bắc - Nam (phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông) và trục Đông - Tây (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền), gồm các công trình kiến trúc nổi bật như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trường Đại học Tổng hợp... Lễ hội là dịp đưa các công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Hà Nội đến gần người dân hơn. Trong đó, một số công trình lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan là Nhà khách Chính phủ, Nhà hát Lớn, Trường Đại học Tổng hợp…
"Giao lộ sáng tạo" có hơn 100 hoạt động. Điểm nhấn là các công trình biểu tượng, sắp đặt mô hình không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm - trưng bày, biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, các tọa đàm và hội thảo thuộc lĩnh vực sáng tạo.
Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam chính thức gia nhập, trở thành thành viên Mạng lưới Các thành phố sáng tạo từ năm 2019. Với vai trò thành phố "nhạc trưởng sáng tạo", vị thế của Hà Nội đã lan tỏa đến nhiều địa phương. Đến nay, nước ta có thêm Hội An và Đà Lạt tham gia Mạng lưới Các thành phố sáng tạo.
Bình luận (0)