Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt năm 2009, tổng mức đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh là 5.318 tỉ đồng. Công trình được xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc địa phận xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
Khó khăn chồng chất
Hồ Bản Mồng sau khi chặn dòng sẽ tích được 225 triệu m3 nước; là công trình thủy nông lớn nhất Nghệ An, phục vụ tưới tiêu cho hơn 18.800 ha đất nông nghiệp ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn và thị xã Thái Hòa, cấp nước về sông Cả vào mùa hạn, cắt giảm lũ vào mùa mưa.
Đường dẫn vào thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa hư hỏng, xuống cấp hơn 10 năm qua nhưng không được sửa chữa
Thế nhưng, 13 năm qua, 119 hộ dân ở thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa lại khổ sở vì dự án này. Theo báo cáo, khi dự án tích nước lên cao trình +78,9 m thì cả thôn Thanh Sơn với diện tích 702,6 ha (gồm nhà cửa, ruộng vườn, đất sản xuất nông nghiệp…) sẽ chìm trong nước. Toàn bộ 119 hộ dân với trên 430 nhân khẩu của thôn buộc phải di dời đến nơi ở mới.
Có mặt tại thôn Thanh Sơn, chúng tôi mới thấy được cuộc sống khó khăn của người dân. Thôn Thanh Sơn cách đường Hồ Chí Minh hơn 10 km, cách trung tâm xã Thanh Hòa tới 22 km. Thôn này lọt thỏm trong một thung lũng, bao bọc xung quanh là những ngọn núi cao.
"Từ ngày nằm trong diện phải di dời, người dân chúng tôi được thông báo không xây dựng nhà cửa, không được tách hộ. Các công trình phúc lợi phục vụ người dân cũng không được quan tâm đầu tư khiến cho chúng tôi đã khổ nay càng khổ hơn" - bà Lương Thị Liên, ngụ tại thôn Thanh Sơn, bức xúc.
Theo ông Kim Văn Sơn, một người dân địa phương, thôn có nhiều gia đình sống 3-4 thế hệ trong những căn nhà chật hẹp, sinh hoạt hằng ngày rất khó khăn, bất tiện. "Trường học, nhà văn hóa, đường sá đi lại xuống cấp hết cả rồi nhưng không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa khiến trẻ em tới trường chịu nhiều thiệt thòi, người dân đi lại khó khăn, nhất là những lúc ốm đau, sinh nở. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên xã, huyện, mong sớm được di dời để ổn định cuộc sống nhưng cứ chờ hết năm này qua năm khác, nay đã 13 năm rồi" - ông Sơn băn khoăn.
Ông Hà Văn Giới, trưởng thôn Thanh Sơn, cho biết ông đã bị người dân chất vấn không biết bao nhiêu lần. Là người được dân địa phương tín nhiệm, ông cảm thấy rất buồn khi không lo được cho bà con. "Dân chúng tôi đa số sống bằng nghề nông, dựa vào mấy sào ruộng nương hoặc rừng núi. Do nằm ở vùng trũng nên vào mùa mưa, thôn thường xuyên bị ngập và cô lập với bên ngoài" - ông Giới lo ngại.
Theo trưởng thôn Thanh Sơn, con đường dẫn vào thôn đã hư hỏng, trên đường có tới 4 điểm suối chảy qua. Do vướng dự án hồ thủy lợi Bản Mồng, những điểm này không được đầu tư xây dựng cầu cống bằng bê-tông để thuận tiện qua lại. Người dân đã làm những cây cầu tạm bằng tre nứa nhưng chỉ được một thời gian là hỏng và không an toàn.
Ngoài ra, nhiều gia đình muốn chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để vươn lên thoát nghèo cũng chẳng dám đầu tư tiền của. Bởi lẽ, họ sợ vừa đầu tư xong lại phải chuyển đến nơi ở mới.
Chờ đến bao giờ?
Không chỉ người dân, ngay cả chính quyền xã Thanh Hòa cũng tỏ ra bức xúc khi dự án di dân quá chậm. Điều này ảnh hưởng đến đời sống người dân và cả việc xây dựng nông thôn mới, định hướng phát triển kinh tế lâu dài của địa phương.
Bà Lương Thị Liên (bên trái) nói về nỗi khổ của người dân chờ tái định cư
"Bà con ở đây chịu khổ quá nhiều rồi, chúng tôi thấy rất xót xa nhưng lực bất tòng tâm. Lãnh đạo huyện Như Xuân cũng nhiều lần về đây nắm bắt tình hình nhưng đành chịu vì vượt quá thẩm quyền. Đường sá, trường học, đường điện xuống cấp hết cả nhưng giờ đầu tư rất tốn kém, ngân sách lại không thể chi cho những nơi thuộc diện di dời" - ông Đỗ Tất Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa, băn khoăn.
Theo ông Hùng, tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa hôm 26-4 vừa qua, ông đã có ý kiến về việc người dân thôn Thanh Sơn đang mong mỏi từng ngày được tái định cư để sớm ổn định cuộc sống. Lãnh đạo xã đã kiến nghị các đại biểu Quốc hội đề xuất các cơ quan, ban - ngành đẩy nhanh tiến độ di dời người dân nằm trong vùng ngập của hồ Bản Mồng; tạo điều kiện để bà con yên tâm sinh sống, lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Ông Kim Văn Sơn ngán ngẩm khi dự án kéo dài hơn 10 năm, dân vẫn chưa an cư
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, cho biết liên quan dự án hồ thủy lợi Bản Mồng ở Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa đã rà soát và quyết định di dời toàn bộ 119 hộ dân thôn Thanh Sơn tới định cư tại khu vực thôn Đồng Trình, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân. Khu vực này rộng khoảng 300 ha.
"Đây là dự án do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. Trong đó, việc tái định cư cho các hộ dân Thanh Hóa nằm trong giai đoạn 2 (năm 2021-2025). Các bộ liên quan vẫn đang hoàn thiện các bước của dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lúc đó mới có kinh phí để thực hiện tái định cư. Huyện đã khảo sát, khái toán việc di dời, ổn định đời sống cho 119 hộ dân hết khoảng 360 tỉ đồng. Còn khi nào dự án chính thức triển khai thì huyện cũng không thể nắm được, vì nó ngoài khả năng" - ông Tuất thông tin.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Bí thư Huyện ủy huyện Như Xuân, cho biết lãnh đạo huyện rất trăn trở về việc này và đã nhiều lần kiến nghị cơ quan cấp trên nhằm sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ di dời, ổn định cuộc sống cho người dân. Thế nhưng, theo ông, việc này xem ra vẫn còn rất nan giải.
Bình luận (0)