Ngày 17-8, tại trụ sở HĐND - UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội họp giao ban tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc tình hình thực hiện dự án. Bí thư Thành uỷ TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo, chủ trì hội nghị.
Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị
Theo báo cáo tổng hợp chung về tiến độ triển khai dự án do Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường, cho biết về cơ bản, công tác giải phóng mặt bằng đã bám sát tiến độ trong kế hoạch chung. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng đối với phần đất ở còn chậm, đặc biệt là việc đầu tư các khu tái định cư. Việc khởi công thi công xây dựng công trình đã được TP Hà Nội triển khai đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18-8-2022, nhưng tại Hưng Yên và Bắc Ninh dự kiến chậm hơn khoảng 3-4 tháng.
Đáng chú ý, nêu 7 nhóm khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị, ông Nguyễn Chí Cường cho biết các địa phương chủ yếu mới hoàn thành giải phóng mặt bằng phạm vi đất nông nghiệp. Phần còn lại rất khó khăn vì chủ yếu là đất ở, đất tín ngưỡng, đất hộ gia đình, tổ chức, công trình hạ tầng và 9.929 ngôi mộ... Việc xây dựng các khu tái định cư cần phải đẩy nhanh tiến độ; nếu không đáp ứng yêu cầu tái định cư trong năm nay thì phải có phương án tạm cư. Ngoài ra, công tác thẩm định, việc chuẩn bị các mỏ vật liệu cũng cần được quan tâm sát sao, đẩy nhanh tiến độ.
Phát tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa (Phó ban chỉ đạo), cho biết tỉnh đang quyết tâm hoàn thành các phần việc cần thiết để khởi công Dự án thành phần 2.2 trong tháng 9-2023. Hiện nay, một trong những khó khăn rất lớn của tỉnh là phải di dời cơ sở của 17 doanh nghiệp, dự án. Đây là phần việc rất phức tạp liên quan đến định giá tài sản. Tới đây, tỉnh sẽ thuê tư vấn để định giá tài sản trên đất làm căn cứ đền bù, hỗ trợ. Ngoài ra, tỉnh còn phải bố trí nơi khác để "tái định cư" cho doanh nghiệp. Do đó, Hưng Yên đề nghị Ban Chỉ đạo báo cáo Chính phủ cho phép tỉnh áp dụng Điều 62 của Luật Đất đai thay vì để doanh nghiệp tự thảo thuận với các hộ dân, không bảo đảm tiến độ.
Toàn cảnh Hội nghị
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang, cho biết khó khăn, vướng mắc hiện nay của tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án thành phần 1.3 là 2.479 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá trị tổng mức đầu tư thực tế của dự án thành phần 1.3 dự kiến khoảng 5.354 tỉ đồng do xác định đơn giá bồi thường đất ở theo giá thị trường (tăng 2.874 tỉ đồng so với giá trị sơ bộ tổng mức đầu tư). Do đó, tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Ban Chỉ đạo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo của dự án cho phù hợp.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết đã được báo cáo tại Hội đồng điều phối Vùng Đồng bằng sông Hồng. Thông báo kết luận số 139 ngày 25-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, giá trị tổng mức đầu tư thực tế được phép cao hơn giá trị sơ bộ tổng mức đầu tư.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, giá vật liệu thực tế đang cao hơn đáng kể so với giá đã được phê duyệt (giá phê duyệt là 170.000 đồng/m3, giá thực tế khoảng 250.000 đồng/m3), đây là vấn đề cần quan tâm tháo gỡ cho nhà thầu.
Kết luận Hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội khẳng định, quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền 3 địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ. Kết quả triển khai dự án, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng nhìn chung là tốt. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng hiện nay, cả 3 địa phương đều có quyết tâm cuối năm nay sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh tập trung phối hợp với Bộ Xây dựng để hoàn thành thẩm định, phê duyệt dự án thành phần tổ chức đấu thầu, phấn đấu khởi công dự án vào tháng 9-2023.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, đối với tái định cư cho các hộ có đất ở, nếu không kịp bố trí tái định cư cho người dân trước Tết Nguyên đán 2024 thì như cách Hà Nội đang thực hiện là tính toán phương án hỗ trợ tạm cư cho người dân. Về di dời phần mộ, các địa phương phải cùng cố gắng tuyên truyền, vận động để tập trung hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2024; đồng thời quyết tâm hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng dự án trước ngày 31-12-2023.
Để bảo đảm vật liệu phục vụ thi công dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý phải tính toán tổng thể và cụ thể cho từng phần việc bảo đảm theo tiến độ. Nguồn cung vật liệu không đáng lo, quan trọng là phải tổ chức điều phối, hoàn tất thủ tục sao cho hợp lý, kịp tiến độ cho dự án.
Về dự án PPP, Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì báo cáo, làm việc với Hội đồng thẩm định Nhà nước để tháo gỡ các vấn đề liên quan; bao gồm cả việc tách 3 cầu trong phạm vi dự án ra làm dự án "con" để kiến nghị được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công.
Trưởng ban Chỉ đạo đặc biệt lưu ý các tỉnh, thành phố chú trọng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra sai sót trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Ví dụ như mỏ vật liệu phục vụ cho dự án đường Vành đai 4 thì không được phép khai thác để bán ra bên ngoài hay phục vụ dự án khác.
Bình luận (0)