Sáng 25-6, lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô diễn ra tại 4 điểm trên địa bàn TP Hà Nội và 2 điểm tại tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh. Dự án này được khởi công cùng lúc với Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) - An Hữu (tỉnh Tiền Giang) giai đoạn 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công 2 dự án trọng điểm quốc gia.
Đây là 2 dự án công trình giao thông trọng điểm quốc gia được khởi công cùng giờ, cùng ngày và cùng hướng đến mục tiêu đưa vào vận hành vào năm 2027. Dự lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính. Dự lễ khởi công dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu ở điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Báo cáo quá trình triển khai thực hiện Dự án Vành đai 4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, các đơn vị liên quan đã tập trung quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương.
"Với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp ngành, sau 1 năm 9 ngày, dự án đã bảo đảm toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%" - Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nêu rõ.
Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị và triển khai Dự án đường Vành đai 4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định đó là phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Đảng và nhà nước đã xác định phát triển hạ tầng chiến lược nói chung, trong đó có hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, đang được tích cực triển khai trên toàn quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng với Hà Nội đã dám phân cấp, giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng cho các quận, huyện, đem lại kết quả rất thành công
Theo Thủ tướng, mục tiêu đặt ra là giai đoạn từ năm 2021-2025 phải có 3.000 km đường cao tốc. Như vậy là trong 5 năm, chúng ta phải làm gấp 2 lần 20 năm vừa qua. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đưa vào khai thác, thi công, khởi công trên 3.470 km đường cao tốc. Nếu phấn đấu tốt, quyết tâm cao hơn, nỗ lực, hành động quyết liệt hơn, năm 2025 sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tạo ra không gian phát triển mới cho cả Vùng Thủ đô, đặc biệt có ý nghĩa với TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
"Chúng tôi rất ấn tượng với Hà Nội đã dám phân cấp, giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng cho các quận, huyện, đem lại kết quả rất thành công. Tôi đánh giá rất cao sự kiểm tra, giám sát của lãnh đạo các địa phương, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Tỉnh uỷ các tỉnh khác trong công tác triển khai dự án cũng như giải phóng mặt bằng" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Thủ tướng cũng lưu ý kết quả khởi công hôm nay mới chỉ là thắng lợi bước đầu, công việc tiếp theo còn rất lớn. Việc thi công với khối lượng lớn, trong thời gian không dài, chịu tác động của thời tiết, các địa phương, đơn vị, nhà thầu, phải "vượt nắng thắng mưa", thực hiện "ba ca bốn kíp", “làm hết việc chứ không hết giờ”… để đảm bảo tiến độ.
Từ kinh nghiệm triển khai các dự án cao tốc trước đây, người đứng đầu Chính phủ lưu ý cần bảo đảm tiến độ, bảo đảm chất lượng cũng như bảo đảm các an toàn kỹ thuật, môi trường, vệ sinh, an toàn lao động; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; không được đội vốn bất hợp lý, chia nhỏ các gói thầu...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các địa phương phải tiếp tục quan tâm hoàn thành công tác GPMB, tái định cư ổn định nơi ăn ở cho người dân; chuẩn bị vật liệu xây dựng, bãi thải phục vụ dự án; tăng cường năng lực thi công...
Dự án đường Vành đai 4 có quy mô 112,8 km và sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỉ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 1.386 ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác mức. Quốc hội giao việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Quốc hội cũng cho phép một số cơ chế đặc thù về nguồn vốn đầu tư, tổ chức thực hiện, chỉ định thầu và khai thác vật liệu cho dự án...
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có chiều dài gần 27,5 km. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17 m, vận tốc khai thác 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là gần 5.900 tỉ đồng. Thời gian thực hiện đến năm 2027.
Một số hình ảnh tại lễ khởi công:
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại lễ khởi công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu ấn nút khởi công.
Phối cảnh Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Bình luận (0)