Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp, dự án chống ngập nhưng sau mỗi trận mưa lớn, nhiều tuyến phố ở thủ đô lại chìm trong biển nước.
Mâu thuẫn trong tiêu thoát nước
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết từ năm 2005 đến nay, UBND TP đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào các dự án thoát nước. Trong đó có 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỉ đồng. Kế hoạch đến năm 2020, 3 dự án này sẽ phát huy hiệu quả nhưng hiện đã chậm tiến độ.
Lý giải nguyên nhân nhiều tuyến phố ở khu vực trung tâm bị ngập sâu sau trận mưa mới đây, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết do lượng mưa lớn xảy ra trong thời gian ngắn dẫn đến hệ thống thoát nước trên nhiều tuyến phố không kịp tiêu thoát, gây ngập úng. Mỗi lần ngập như vậy, đơn vị lại triển khai nhiều phương án nhằm khơi thông dòng chảy, giúp thoát nước nhanh.
Tình trạng cứ mưa lớn là ngập diễn ra thường xuyên ở Hà Nội
Một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng việc rất nhiều ao hồ bị lấp, cống rãnh tắc nghẽn cũng là những nguyên nhân khiến các tuyến phố ở Hà Nội ngập nặng. Việc quy hoạch xây dựng đô thị thiếu đồng bộ dẫn đến mâu thuẫn trong tiêu thoát nước giữa các tiểu khu. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập.
Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, hệ thống thoát nước của Hà Nội đã bộc lộ nhiều điểm lạc hậu so với sự phát triển, đô thị hóa và điều kiện khí hậu hiện nay. Những trận mưa gần đây có lưu lượng rất lớn, hàng trăm mm/ngày. Như vậy, việc ngập lụt là tất yếu bởi hệ thống thoát nước được đầu tư trước đó chưa tính hết diễn biến của biến đổi khí hậu.
Cần quy hoạch lại
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh thì phải có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. Ông Nghiêm nhấn mạnh đối phó với biến đổi khí hậu thì không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố; từ đó kết hợp xử lý thoát nước với quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh. Bên cạnh đó cần chú trọng các vấn đề về cốt nền phù hợp từng khu vực. Việc xây dựng hệ thống thoát nước mỗi khu vực cần có sự hài hòa với hệ thống thoát nước cả thành phố, giữ lại nước mưa để tận dụng.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, thành viên Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội, cũng cho rằng Hà Nội cần có 1 quy hoạch tích hợp tổng thể từ xây dựng đô thị hóa, giao thông, thoát nước, xử lý nước thải. Để làm được, cần có đóng góp của cộng đồng, giới chuyên gia, nhà khoa học.
Theo một chuyên gia khác, các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, Phòng Quản lý đô thị các quận huyện, đơn vị phụ trách thoát nước cho thành phố phải phát huy thêm vai trò trách nhiệm, công tác phối hợp. Cần phối hợp xây dựng quy trình ứng phó với ngập lụt, điều hòa nước mưa, sử dụng nước cho cả thành phố cũng như mỗi khu vực nhất định; hình thành trung tâm điều phối sử dụng nước, tiêu thoát nước của thành phố. Đối với các khu vực cuối nguồn thoát nước, cần nghiên cứu đầu tư thêm các trạm bơm tiêu thoát nước cưỡng bức để sẵn sàng ứng phó hiệu quả khi có nguy cơ ngập lụt. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân không bịt chặn những họng thu nước trên đường phố, xả rác bừa bãi xuống hệ thống cống. Người dân cũng nên tận dụng nước mưa cho những việc như tưới cây, vệ sinh…
Còn đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết trước mắt, để chống ngập úng trên địa bàn thành phố thì vẫn phải tuân theo Quyết định 725 của Thủ tướng ký năm 2013 về phê duyệt Quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Bên cạnh đó, phải tận dụng triệt để những phương tiện, nhân lực, vật lực có sẵn để phát huy hiệu quả cao nhất có thể chống ngập úng. Về lâu dài, sở sẽ nghiên cứu đề xuất điều chỉnh những điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế trong việc tiêu thoát nước trên địa bàn.
12 điểm ngập úng trong nội thành
Hiện nay, khu vực nội thành Hà Nội tồn tại 12 điểm úng ngập, trong đó 6 điểm không thể giảm được: Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành - Bát Đàn; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; đại lộ Thăng Long. Nguyên nhân không thể khắc phục do bất lợi về địa hình, xa nguồn xả.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết để chủ động ứng phó với úng ngập trong mùa mưa 2020, đơn vị đã hoàn thiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện có (hoàn thành bảo dưỡng 56/56 trạm bơm thoát nước trong quý I/2020). Các đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút, các thiết bị phương tiện cơ giới và các trạm bơm cục bộ hiện có để bơm nước chống úng ngập cục bộ, ưu tiên giải quyết nhanh trên các trục đường chính, giải tỏa ách tắc giao thông khi có mưa lớn. Triển khai ứng trực 24/24 giờ giải quyết thoát nước khi mưa.
Bình luận (0)