Đại sứ quán Thụy Điển, phối hợp với các tổ chức, tập đoàn hàng đầu của Thụy Điển, ngày 8-11 đã tổ chức Tiên phong đột phá (Pioneer the Possible) - chuỗi hoạt động về đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững tại Đà Nẵng nhằm mục đích kêu gọi, lan tỏa và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.
Robotics là một ngành công nghiệp đang phát triển ở Thụy Điển
Sau sự kiện khai mạc tại Hà Nội năm 2022 và các hoạt động trong chuỗi tại TP HCM, Cần Thơ và An Giang vào đầu năm, "Tiên phong đột phá" sẽ có các điểm dừng quan trọng tại Đại học Duy Tân và Đại học FPT tại Đà Nẵng.
Nhận thấy tiềm năng to lớn của các bạn trẻ đặc biệt là các bạn sinh viên đại học trong việc thúc đẩy các giải pháp bền vững, hiện tại và trong cả tương lai, "Tiên phong đột phá" mong đợi chia sẻ những kinh nghiệm của Thụy Điển về hợp tác bốn nhà (nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp và người dân).
Mô hình này cũng tìm kiếm việc tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi thảo luận cởi mở giữa các tập đoàn Thụy Điển và các trường đại học Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như giao thông bền vững, chuyển đổi năng lượng xanh, xanh hóa ngành công nghiệp nặng, kinh tế tuần hoàn và số hóa.
Các sự kiện bao gồm một loạt các hoạt động nhằm để tạo cảm hứng cũng như các bài thuyết trình nhằm tạo điều kiện cho cuộc thảo luận tương tác và trao đổi kiến thức. Chương trình bắt đầu với phần khai mạc từ Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe, nhấn mạnh về chính sách và chiến lược của Thụy Điển trong hành trình sáng tạo và bền vững của đất nước của giải thưởng Nobel và cách thức Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng trong môi trường thực tiễn của mình.
Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe phát biểu
"Chúng tôi rất vui mừng được đưa "Tiên phong Đột phá" có mặt và đến Đà Nẵng lần đầu tiên. Sự kiện này mang đến cơ hội cho các bạn trẻ tài năng của Việt Nam tại thành phố để tham gia vào các cuộc thảo luận về đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững"- Đại sứ Thụy Điển bày tỏ. "Bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và tạo điều kiện cho sự hợp tác và sáng tạo chung giữa Thụy Điển và Việt Nam, chúng ta có thể truyền cảm hứng cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo, đó chính là những người trẻ đóng vai trò tiên phong đột phá tạo ra những thay đổi tích cực" - bà nhấn mạnh thêm.
Đáng chú ý, các tập đoàn Thụy Điển tham gia sự kiện, bao gồm ABB, Ericsson và Tetra Pak, đều đưa ra các bài tham luận thực tiễn, truyền cảm hứng về các chủ đề khác nhau như số hóa, giao thông bền vững, chuyển đổi năng lượng xanh và kinh tế tuần hoàn.
Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng
Cùng ngày, Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng để thảo luận về tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Thụy Điển và Việt Nam trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Một số hình ảnh do Đại sứ quán Thụy Điển cung cấp:
Tòa thị chính Stockholm, nơi trao giải Nobel thường niên
Khoảng 375 công ty đã chọn đặt văn phòng tại Công viên Công nghệ Lindholmen ở Gothenburg, cũng như 2 trường đại học và 6 trường trung học. Lindholmen không chỉ là môi trường năng động tổ chức một số dự án phát triển lớn nhất của Thụy Điển trong lĩnh vực giao thông vận tải, công nghệ thông tin, truyền thông - mà còn là nơi ươm mầm cho những hợp tác xuyên biên giới
Robotdalen, Thung lũng Robot, có trụ sở tại Västerås, là trung tâm của ngành robot Thụy Điển. ABB, một trong những đơn vị toạ lạc tại đó, là nhà cung cấp robot công nghiệp hàng đầu thế giới, nhằm mục đích nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và an toàn cho người lao động. Môi trường đổi mới của Thung lũng Robot nhằm mục đích gắn kết ngành công nghiệp, học viện và khu vực công nhằm mang lại thành công về thương mại cho các giải pháp robot mới cho ngành công nghiệp, dịch vụ và chăm sóc sức khỏe
Xe điện đang gia tăng ở Thụy Điển. Có hơn 12.000 trạm sạc cho ô tô cá nhân chạy điện và hybrid, xe buýt thành phố, xe tải nhẹ và xe máy. Số lượng xe điện đang tăng lên nhanh chóng, một phần nhờ vào sự khuyến khích và sáng kiến từ chính phủ, một phần nhờ vào ý thức bảo vệ môi trường của người dân Thụy Điển
Xe tải chạy hoàn toàn bằng điện của Volvo đang thu gom rác thải ở Gotheburg kể từ năm 2018. Volvo đang xem xét thêm các giải pháp ý tưởng dành cho xe tải điện hạng nặng phục vụ vận chuyển trong khu vực và xây dựng nội thành nhằm giảm ô nhiễm
HYBRIT là viết tắt của Công nghệ luyện sắt đột phá hydro. Sử dụng công nghệ HYBRIT, than cốc truyền thống cần thiết cho sản xuất thép từ quặng được thay thế bằng điện và hydro không có hóa thạch. Kết quả sẽ là công nghệ sản xuất thép dựa trên quặng không hóa thạch đầu tiên trên thế giới, hầu như không để lại dấu chân carbon trong môi trường
Bình luận (0)