Thấm thoắt, tôi đã ở Hà Nội được nửa năm, quen dần với nhịp sống Thủ đô qua những buổi đến trường, sau những ngày hè chơi chung với nhóm trẻ trong khu tập thể ở phố Cửa Đông.
Hà Nội, những ngày hè năm 1975 của tôi là ra chợ Hàng Da tìm mua cá chọi, ra sân Long Biên đá bóng rồi lên tận hồ bơi Quảng Bá vẫy vùng. Rồi hè qua nhanh, mái trường Thanh Quan trên phố hàng Cót nhận tôi vào lớp 6. Tàu điện Mơ - Bưởi leng keng trước trường, lũ học sinh nhảy tàu rất giỏi, nghịch ngợm như tinh.
Thời của tem phiếu
Quen với thời tiết TP Đà Nẵng nhiều nắng gió, nay tôi mới biết thế nào là cái lạnh mùa đông miền Bắc.
Năm 1975, theo bác tôi, là một trong những năm rét nhất suốt 7 năm qua, sau năm rét đậm 1968. Nhiều bạn trong lớp bị nứt nẻ chân tay, ai cũng to xù trong lớp áo bông, mang ủng để chống chọi cái rét hoành hành.
Lần đầu tiên tôi biết đến chiếc "vỏ áo bông", thích thú với chiếc áo bông màu xanh đậm được khoác lên mình ngày ấy. Bác gái còn quấn cho tôi chiếc khăn len lên cổ để đi học.
Rồi những ngày đông qua nhanh, mùa xuân lần về qua từng sắc đào Nhật Tân và làng hoa Ngọc Hà đã tấp nập dần lên theo từng ngày.
Hà Nội năm đầu sau ngày thống nhất đất nước còn bộn bề lo toan, phố phường chưa bán buôn sầm uất, người dân đón cái Tết vẫn với ý thức tiết kiệm, đơn sơ mà đầm ấm. Bên cạnh những hàng nhu yếu phẩm cần thiết thường ngày qua tem phiếu, cửa hàng mậu dịch bắt đầu bán theo những ô tem phiếu đặc biệt (như ô chữ F) để mua những hàng hiếm hơn, có khi là lá dong để các nhà trong xóm chung nhau gói bánh chưng dồn phiếu lại để mua lá cùng gói bánh.
Theo tem phiếu, nhà nào cũng mua được bóng bì, chai rượu, hộp mứt, phong pháo, thuốc lá Sông Cầu, gói chè Đại Đồng… Tôi cũng quen dần với việc mua hàng khi được bác gái sai đi mua bánh mì, còn xếp hàng mua rau mỗi ngày hay xách phích ra phố Gầm Cầu mua nước đun sôi là chuyện thường làm sau giờ học…
Bánh chưng, bánh quy Hà Nội
Rồi trường lớp lao xao sắp nghỉ Tết. Các hộ trong khu tập thể gom tem phiếu mua nếp, thịt, lá dong gói bánh chưng. Hai tầng nhà khu tập thể rộn ràng. Các anh lớn lo sắp gạch để kê bếp, củi đun. Các cô, các chị nhận phần gói bánh.
Ở miền trong, tôi quen với bánh tét, nay nhìn bánh chưng thấy lạ. Những bàn tay thoăn thoắt, từng chiếc bánh chưng vuông vức, xanh mướt thành hình, đều tăm tắp, sắp ngay ngắn trong thùng. Bếp lửa đặt không xa bể nước khu tập thể, dưới tầng trệt. Các anh chị thanh niên nhận canh giữ thùng bánh chưng, mặt ai cũng tươi rói, bởi được thức đêm trò chuyện cùng nhau, vọng tiếng cười khúc khích bên bếp lửa hay những góc sân khi mọi người đã ngủ.
Trước đó mấy ngày, bác gái đã đưa cho tôi một chiếc mủng đựng trứng gà và đường, sữa, nói đem qua nhà bác D. cũng ở trên phố Cửa Đông. Sau tôi mới biết đó là nữ đạo diễn nổi tiếng, bạn Liên học cùng lớp với tôi là cháu của bác. Bác con nhà trưởng giả Hà Nội nên chị em ai cũng khéo tay, nhận lời làm bánh giúp cho những bạn bè quen biết. Khi nào bác nhắn bánh đã làm xong, tôi chỉ việc qua nhận bánh về.
Những chiếc bánh vàng ươm, thơm phức, tôi ôm về với niềm vui hồn nhiên thơ dại.
Bác gái bảo phải may cho con áo mới thôi. Nhưng đến tối, sau khi bác đi làm về (bác tôi ngày ấy là vụ trưởng của Bộ Nội thương, chức to nhưng rất giản dị, sáng chiều đi làm bằng chiếc xe đạp Phượng Hoàng). Cơm nước xong, bác chở tôi ra nhà may trên phố Cầu Gỗ, gần hồ Hoàn Kiếm. Bác chọn vải katê màu xanh da trời vào loại đắt tiền nhất ngày ấy cho thằng cháu, quần thì bác đã mua ở cửa hàng mậu dịch may sẵn rồi. Chủ tiệm hẹn chiều tối 29 Tết mới nhận áo.
Đường về, tôi chỉ nói được với bác hai tiếng cảm ơn trong xúc động. Bởi những năm đó đất nước còn nghèo, ai cũng sống bằng đồng lương ít ỏi và tem phiếu, bác lo cho tôi như thế là rất thương thằng cháu "ở miền Nam ra", sợ cháu buồn, tủi thân ngày Tết xa ba mẹ.
Những ngày gần Tết, tôi phụ hai bác dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Bánh đã nấu xong, được chia cho các gia đình. Lũ trẻ chúng tôi theo phân công của người lớn, chờ tiếng rung chuông của chiếc xe bán bia hơi đi ngang là nhào ra, mua được vài bi đông bia, bỏ vào vại nước của nhà để dành uống Tết.
Tết an vui với mọi nhà
Rồi Tết về trong háo hức. Tiếng pháo râm ran từ chiều, đến tối càng nhiều hơn trong khu tập thể. Bà nội tôi gội đầu bằng bồ kết, mặc bộ áo dài đẹp nhất đem từ Đà Nẵng ra, cười móm mém nhìn con cháu quây quần sau 21 năm xa cách. Bác Hai thắp nhang, cúng đón giao thừa.
Rồi cả Hà Nội bừng lên trong tiếng pháo. Bác Hai bước ra sân cúng vái rồi vào nhà xông đất đầu năm, chúc thọ bà nội tôi. Bà nội chúc cho con cháu năm mới an lành, như ý.
Sáng mồng 1, lần lượt các bác, các chú, o tôi và các anh chị ở Hà Nội đều về nhà bác Hai để chúc Tết. Sau đó, chúng tôi cũng đến nhà các bác, các chú cùng o và bà con họ hàng thân thuộc. Ai cũng mặc áo đẹp, bên ngoài là áo ấm và khăn quàng. Hà Nội những năm đó chưa có tục "lì xì" như ở miền Nam nhưng vẫn vui với sự đầm ấm, không khí sum họp gia đình và tình cảm láng giềng, chòm xóm.
Phố xá Hà Nội lung linh, trên đường quanh hồ Gươm, loa phát những bài ca rộn ràng, quen thuộc. Mặt người nào cũng tươi, ngời lên niềm vui trong từng ánh nhìn. Hà Nội hào nhoáng mà gũi gần, Hà Nội luôn hào hoa, thanh lịch. Một cái Tết đầm ấm, an vui sau ngày đất nước thống nhất trên khắp non sông. Lúc này ba mạ tôi đã rời Đà Nẵng về quê nhà Quảng Trị, cái Tết đầu tiên khi trở lại quê nhà cũng rất vui vì bà con lối xóm đoàn tụ, những phận đời ly tán nhiều năm nay trở về sum họp…
Tôi đã đón cái Tết đầu tiên ở thủ đô như vậy. Lạ lẫm mà thân thương, ghi sâu ký ức chú bé 12 tuổi ngày ấy. Năm tháng trôi qua, đất nước qua thời bao cấp, đi vào đổi mới với những đổi thay nhanh chóng trên mọi mặt kinh tế - xã hội, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Cách thức người dân cả nước đón Tết ngày nay đã khác xưa nhiều nhưng vẫn còn đó những phong vị truyền thống không hề nhạt phai, nhất là lòng người Việt với mùa Xuân, với lúc chuyển giao năm cũ - mới, luôn đầy xúc động và tràn khát khao năm mới tươi đẹp, an lành.
Rộn ràng phố cổ
Ngoài đường phố xá phong quang, không khí Tết ngày càng đầy trong không gian, Tết đang về trong gió Xuân lành lạnh. Tôi ở khu phố cổ, nên cứ cùng lũ trẻ ra hàng Ngang, hàng Đào, hàng Đường, hàng Mã, hàng Lược, chợ Đồng Xuân… xem người ta đi sắm Tết.
Những cành đào về phố, chúm chím nụ, dăm cành đã trổ bông phơn phớt. Tiếng người bán mua, cười nói. Thỉnh thoảng lại có tiếng pháo tép của những đứa trẻ nghịch ngợm, làm giật mình các bà, các chị với câu mắng yêu. Mùi pháo lan trong không gian đầy sắc đỏ, trong cái lạnh ngày cuối đông chớm Xuân về…
Bình luận (0)