Sau hơn 13 năm xây dựng và phát triển, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là KKT Nghi Sơn) đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Đây là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 NQ/TW ngày 5-8-2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đổi thay sau 13 năm
Nhắc tới KKT Nghi Sơn là nhắc tới Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - một dự án trọng điểm của cả nước, có tổng mức đầu tư khoảng 9 tỉ USD. Nhà máy đã hoạt động sản xuất thương mại, góp phần không nhỏ vào việc thay đổi diện mạo KKT Nghi Sơn, tăng thu ngân sách cho tỉnh Thanh Hóa. Ngoài dự án trọng điểm này, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và nỗ lực mời gọi đầu tư của lãnh đạo Ban Quản lý KKT Nghi Sơn mà trong những năm qua, có nhiều dự án tỉ đô tiếp tục đầu tư vào Nghi Sơn.
Một góc Khu Kinh tế Nghi Sơn
Đáng chú ý trong số này là 2 "siêu dự án" nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2, với tổng mức đầu tư gần 4 tỉ USD. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 gồm 2 tổ máy (tổng mức đầu tư khoảng 1 tỉ USD với 85% vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản), tổng công suất lắp đặt 600 MW, sản lượng điện sản xuất khoảng 3,6 tỉ KWh/năm đã hòa lưới điện quốc gia vào năm 2013; còn Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (công suất 1.200 MW) có tổng vốn đầu tư 2,793 tỉ USD, khởi công vào tháng 8-2018, dự kiến hoàn thành tháng 7-2022.
Ngoài ra, một dự án "siêu khủng" khác đã được một doanh nghiệp đến từ Mỹ ký biên bản ghi nhớ với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tại "Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020" vừa diễn ra hồi tháng 6-2020. Theo đó, Tập đoàn Millennium Energy (Mỹ) sẽ đầu tư vào đây một trung tâm điện - khí LNG (liquefied natural gas - là khí thiên nhiên được hóa lỏng khi làm lạnh sâu), với tổng vốn đầu tư lên tới 7 tỉ USD.
Ông Hà Thọ Đại, Phó chánh Văn phòng Ban Quản lý KKT Nghi Sơn, cho biết 8 tháng đầu năm 2020, tại KKT Nghi Sơn đã cấp mới 17 dự án đầu tư, nâng tổng số lên 614 dự án. Trong số này, có 554 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 151.418 tỉ đồng (đã thực hiện 63.626 tỉ đồng) và 60 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 13,5 tỉ USD (đã thực hiện gần 11,2 tỉ USD).
"Trong 8 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của KKT Nghi Sơn ước đạt 170.067 tỉ đồng; nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 13.000 tỉ đồng (riêng dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn ước đạt 9.800 tỉ đồng); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,6 tỉ USD, nhập khẩu ước đạt gần 4 tỉ USD; giải quyết việc làm cho khoảng 90.268 người, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng" - ông Đại thông tin.
Diện mạo mới sau năm 2025
Với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi và đã triển khai nhiều dự án lớn, trọng điểm, KKT Nghi Sơn ngày càng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đến nghiên cứu đầu tư tại KKT Nghi Sơn. Điển hình như: Tập đoàn ExxonMobil (Mỹ) nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp hóa dầu Nghi Sơn; Tập đoàn Foxconn (Đài Loan - Trung Quốc) nghiên cứu đầu tư tổ hợp sản xuất chip điện tử; liên doanh Tập đoàn Hokuetsu (Nhật Bản) và Tập đoàn Lee & Man (Hồng Kông - Trung Quốc) nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp sản xuất giấy và năng lượng sinh khối...
Tỉnh Thanh Hóa đang huy động tối đa mọi nguồn lực, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển đồng bộ, hiện đại, trọng điểm của cả nước; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; hình thành các tổ hợp công nghiệp mũi nhọn thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: Lọc hóa dầu, luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, điện, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến hàng xuất khẩu...
Trong lộ trình phát triển, đây còn là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao lưu trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan và vùng phụ cận Thanh Hóa thông qua hệ thống đường bộ và tuyến hàng hải quốc tế nối cảng biển Nghi Sơn.
Trong chuyến thăm và làm việc tại KKT Nghi Sơn mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - ông Nguyễn Văn Bình - khẳng định Thanh Hóa có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển thành một tỉnh công nghiệp lớn, dẫn đầu cả nước, trong đó KKT Nghi Sơn chính là điểm nhấn hết sức quan trọng, là "bàn đạp" động lực thúc đẩy phát triển.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Bình, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục nghiên cứu, trình Bộ Chính trị để có được cơ chế nổi trội hơn nữa nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo sự lan tỏa cho vùng và cả nước mà trọng tâm là đưa KKT Nghi Sơn phát triển mạnh trong 10 năm tới và những năm tiếp theo.
Thanh Hóa sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới
Đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã nhận định như vậy.
Theo ông Bình, Nghị quyết số 58-NQ/TW có ý nghĩa quan trọng, là mốc son trong chặng đường xây dựng và phát triển của Thanh Hóa. Nghị quyết chỉ rõ Thanh Hóa sẽ tạo ra một tứ giác phát triển trên tam giác phát triển sẵn có trước đây là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. "Với tiềm năng của mình, Thanh Hóa sẽ trở thành một cực tăng trưởng, tạo sự lan tỏa, kết nối giữa Bắc Trung Bộ với tứ giác phát triển, tạo ra kết nối với vùng duyên hải Bắc Bộ, khu vực Tây Bắc" - ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Bình luận (0)