Sau 12 năm quy hoạch phát triển theo mô hình chùm đô thị, 5 đô thị vệ tinh (ĐTVT) của Hà Nội vẫn "chưa đâu vào đâu", còn nhiều vướng mắc. Các chuyên gia cho rằng cần điều chỉnh lại để phát triển, tránh quy hoạch treo, ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển chung của thành phố.
Quá chậm!
Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065 (Quy hoạch chung 1259) được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 xác định mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm và 5 ĐTVT (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn). Mỗi ĐTVT có chức năng riêng, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ.
Hòa Lạc là đô thị lớn nhất trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội theo quy hoạch, nhưng đến nay vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng .Ảnh: HỮU HƯNG
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km, Hòa Lạc là ĐTVT lớn nhất trong 5 ĐTVT theo quy hoạch, với diện tích hơn 17.000 ha. Hình thành sớm nhất trong 5 ĐTVT, Hòa Lạc được định hướng phát triển công nghệ cao với 7 khu vực chức năng, trong đó có 2 phân khu quan trọng gồm ĐHQG Hà Nội và khu công nghệ cao.
Tuy nhiên, qua 12 năm, Hòa Lạc chỉ thu hút được một vài doanh nghiệp công nghệ. Trung tâm đô thị - khu công nghệ cao vẫn đang ngổn ngang nhiều công trình xây dựng và còn tới cả trăm hecta chưa giải phóng mặt bằng. Phần diện tích đã giải phóng mặt bằng và đầu tư xong hạ tầng mới đưa vào khai thác khoảng 10%. Khu ĐHQG Hà Nội được phê duyệt năm 2013 với diện tích khoảng 1.000 ha, quy mô 65.000 sinh viên, nhưng mới xây dựng 5 tòa nhà và tiếp nhận 1.500 sinh viên.
Hà Nội từng kỳ vọng 5 ĐTVT hình thành với quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 700.000 và năm 2030 từ 1,3 đến 1,4 triệu người. Tuy nhiên, đến nay các đô thị này chưa thể hiện được vai trò giãn dân, giảm tải hạ tầng cho khu vực trung tâm, trong khi dân số thủ đô hiện đã đạt ngưỡng khoảng 10 triệu.
Đại diện Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng, đơn vị tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch chung, đánh giá mô hình phát triển chùm đô thị của Hà Nội chưa đạt được yêu cầu, phát triển đô thị chưa đồng đều và chưa tương xứng với tiềm năng; đặc biệt, tiến độ triển khai các ĐTVT theo quy hoạch còn chậm.
Thực tế, sau 12 năm triển khai, tồn tại hàng loạt vấn đề, rất nhiều yếu tố để ĐTVT phát triển đều chưa được hình thành như: giao thông kết nối, cơ chế thu hút đầu tư, các vấn đề về đất đai...
Đánh giá rõ hiệu quả mô hình ĐTVT
Theo ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, mục tiêu ban đầu quy hoạch 5 ĐTVT đã rất rõ, đó là tạo lập không gian đô thị, hỗ trợ, giảm tải nhiều chức năng cho đô thị trung tâm, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô, nhằm bảo đảm cho Hà Nội phát triển bền vững. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế chính sách và cả những yếu tố khách quan như kinh tế suy thoái, dịch bệnh nên những vấn đề đặt ra không được giải quyết trọn vẹn.
Ông Chính chỉ ra hạ tầng giao thông giữa nội đô và ĐTVT chưa được đầu tư khiến các ĐTVT như: Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên bị biệt lập, khó thu hút dân. Trừ Hòa Lạc hiện có tuyến đại lộ Thăng Long kết nối, còn các tuyến đường nối đô thị trung tâm đến 4 ĐTVT còn lại chưa được đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng cao tốc. Ngoài ra, Hà Nội cũng chưa xây dựng được chính sách thu hút các dự án đầu tư như ưu đãi giá đất, thuế thu nhập doanh nghiệp...
"Do vậy, trong điều chỉnh quy hoạch chung lần này cần phải đánh giá rõ hiệu quả mô hình 5 ĐTVT để thấy được nguyên nhân của những tồn tại nhằm tính toán bước đi hợp lý trong giai đoạn tới" - ông Chính nói.
Hiện UBND TP Hà Nội vẫn giữ nguyên định hướng hình thành các ĐTVT, bên cạnh đó đề xuất mô hình "Thành phố trong thành phố", với thành phố phía Bắc và phía Tây trực thuộc thủ đô. Do ĐTVT Xuân Mai, Hòa Lạc nhập vào thành phố phía Tây, ĐTVT Sóc Sơn nhập vào thành phố phía Bắc nên định hướng chỉ còn lại 2 ĐTVT là Sơn Tây và Phú Xuyên. Trong đó, Sơn Tây được định hướng là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và Phú Xuyên sẽ trở thành đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa.
Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, cho biết thành phố vẫn xác định cấu trúc đô thị Hà Nội là khu vực đa trung tâm gồm thành phố trung tâm, bổ sung 2 "Thành phố trong thành phố" ở phía Bắc sông Hồng và phía Tây Hà Nội. Kế thừa các nội dung của quy hoạch ĐTVT đã nghiên cứu, 2 ĐTVT Phú Xuyên và Sơn Tây còn lại được nghiên cứu một cách cụ thể hơn, gắn với yêu cầu phát triển của thủ đô giai đoạn tới và các thị trấn sinh thái. "Chúng tôi đã có nghiên cứu bảo đảm thời gian tới có đầy đủ chính sách để duy trì quy hoạch này có tính khả thi cao" - giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội nói.
Hà Nội đang triển khai song song 2 quy hoạch lớn là quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung 1259. Đây là cơ hội để Hà Nội kịp thời điều chỉnh và rút kinh nghiệm từ những vướng mắc khi thực hiện quy hoạch cũ, tiến tới hiện thực hóa chủ trương phát triển ĐTVT.
Cần ưu tiên đầu tư cho đô thị vệ tinh
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng việc chậm lập quy hoạch chung và phân khu tại các ĐTVT ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn khởi nghiệp tại ĐTVT do giá đất rẻ hơn nội đô đã phải chờ đợi thời gian dài.
"5 đô thị vệ tinh đã có định hướng và xác định quy mô cụ thể, song thực tiễn không thành hình do Hà Nội vừa không có kinh phí vừa không có cơ chế chính sách. Thành phố cần chuyển định hướng ngân sách giảm đầu tư trong nội đô, tăng đầu tư ngoại thành, ưu tiên cho các ĐTVT" - ông Nghiêm đề xuất.
Bình luận (0)