Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết riêng phát triển Thanh Hóa đến năm 2045 trở thành tỉnh đứng đầu các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và thuộc nhóm các tỉnh, TP dẫn đầu cả nước.
Khởi công hàng loạt dự án ngàn tỉ
Trong 5 năm, từ 2015-2020, dù chịu nhiều tác động bất lợi trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực nhưng Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân dự kiến đạt 12,1%, vượt mục tiêu đề ra và nằm trong nhóm các tỉnh, TP có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.
Cảng nước sâu Nghi Sơn - một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa
Để nhanh chóng đưa Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngay từ khi Nghị quyết được Bộ Chính trị thông qua, Thanh Hóa đã bắt tay ngay vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng tầm vóc, diện mạo của địa phương. Cụ thể, ngày 23-10, tỉnh Thanh Hóa đã khởi công dự án đường nối TP Thanh Hóa lên Cảng Hàng không Thọ Xuân với tổng mức đầu tư lên tới 3.500 tỉ đồng. Tuyến đường sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2022. Cùng ngày, Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng chính thức hoạt động sau nhiều năm xây dựng. Nhà máy hoàn thành, đi vào vận hành ổn định sẽ tạo việc làm, thu nhập cho 2.000 lao động ở Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Đáng chú ý, ngày 26-10, Sun Group khởi công dự án Quảng trường biển Sầm Sơn tại phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 1.400 tỉ đồng (đây là 1 trong 8 dự án mà Sun Group đang triển khai thực hiện tại Thanh Hóa). Dự án được kỳ vọng sẽ nâng tầm TP biển Sầm Sơn.
PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá tiềm năng, lợi thế và năng lực nội sinh của Thanh Hóa, nhất là tiềm năng con người và chiều sâu văn hóa - lịch sử còn rất lớn. Nếu phát huy hiệu quả những tiềm năng này thì Thanh Hóa còn phát triển nhanh hơn nữa, bền vững hơn nữa và đóng góp quan trọng hơn nữa vào phát triển chung của đất nước.
Nhiều cơ sở để "cất cánh"
Ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030: Phải trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đặc biệt, Thanh Hóa phải là cực tăng trưởng mới nằm trong tứ giác tăng trưởng: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - nhìn nhận Nghị quyết 58 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là mốc son trong chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh Thanh Hóa, là một mốc son để khẳng định vai trò quan trọng của Thanh Hóa trong những đóng góp đổi mới, phát triển của cả nước.
Với sự phát triển của Thanh Hóa, tỉnh đang khẩn trương đưa Nghị quyết 58 vào cuộc sống để Thanh Hóa sớm trở thành một cực phát triển, một động lực phát triển cho vùng Bắc Trung Bộ, tạo ra sự kết nối giữa Bắc Trung Bộ với tứ giác phát triển, kết nối giữa Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa với duyên hải Bắc Bộ cũng như với vùng Tây Bắc. "Sự phát triển của Thanh Hóa tạo ra sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của hầu như toàn bộ các tỉnh phía Bắc. Điều đó cho thấy Nghị quyết này không chỉ dừng lại việc phát triển cho Thanh Hóa mà còn góp phần thúc đẩy, lan tỏa cho các tỉnh trong cả nước" - ông Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 11%
Trong 5 năm tới, 2020-2025, Thanh Hóa đề ra 27 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 11% trở lên; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.200 USD; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 750.000 tỉ đồng, tăng thu ngân sách bình quân hằng năm đạt 10% trở lên; kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 8 tỉ USD...
Thanh Hóa cũng đề ra 6 chương trình trọng tâm và 3 khâu đột phá giai đoạn 2021-2025 gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; phát triển du lịch; nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế; phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ. Ba khâu đột phá gồm: đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Bình luận (0)