Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc đang thiếu tính liên kết, các địa phương phối hợp chỉ mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Đó là vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tổ chức mới đây.
Cấp bộ điều phối chưa hiệu quả
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với các địa phương trong vùng về việc cơ chế, chính sách phát triển vùng còn bất cập, thiếu đột phá, đáng lưu tâm là chưa giải quyết được các vấn đề chung của vùng. Thủ tướng cho rằng 7 địa phương đang loay hoay với bài toán cơ chế điều phối vùng mà chưa tìm ra lời giải. Những vấn đề liên tỉnh, liên vùng chưa được giải quyết hiệu quả, trong khi các địa phương gần như chỉ tập trung trong ranh giới hành chính của mình.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cũng cho thấy cả 7/7 tỉnh, TP của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đều định hướng phát triển công nghiệp điện tử, phần cứng nhưng chỉ có Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh thu hút được các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như: Samsung, LG, Microsoft, Canon. Hoặc trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm và nội dung số chỉ mới tập trung tại Hà Nội nhưng năng lực cạnh tranh thấp, quy mô nhỏ, còn các địa phương khác chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư.
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động về việc các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang "đèn nhà ai nhà nấy rạng", nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cho biết tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, cho thấy vai trò điều phối, chỉ đạo của Chính phủ, cấp bộ chưa thực sự hiệu quả. Theo ông, để tạo tính kết dính cho các địa phương, các bộ phụ trách từng lĩnh vực phải là đơn vị điều phối cao nhất. "Chẳng hạn, trên quy hoạch tổng thể về giao thông, Bộ GTVT phải là đơn vị điều phối tổng quan, làm sao để kết nối các tỉnh với nhau, không thể để các địa phương thấy thiếu chỗ này trống chỗ kia lại đề xuất lên" - ông Võ Hồng Phúc nói.
Như trong vấn đề quy hoạch KCN, ông Võ Hồng Phúc nhấn mạnh Bộ KH-ĐT phải là đơn vị đưa ra định hướng đặt các KCN ở đâu để có lợi nhất cho cả vùng, ví dụ: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh hoàn toàn có thể liên kết về các KCN mà không cần quan tâm đến địa giới hành chính. "Thực tế, một số địa phương mở ra các KCN nhưng vì thiếu tính kết nối nên ít doanh nghiệp vào, đây là điểm yếu trong quy hoạch chung của chúng ta, mà một phần là do các tỉnh muốn vun vén cho mình" - ông Võ Hồng Phúc nói.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nêu thực tế địa phương nào cũng có KCN, mô hình và hoạt động đều tương đồng nên việc thu hút đầu tư sắp tới trong vùng cần có sự phân công cụ thể để không trùng lắp, các địa phương phải liên kết với nhau theo chuỗi cung ứng, tránh tình trạng "đua nhau" lập KCN.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, cùng một sản phẩm bán cùng vào một thị trường nhưng mỗi địa phương lại có một mức giá và cách làm khác nhau. "Tại sao trong vùng không tạo thành chuỗi liên kết, tăng giá trị cho sản phẩm đó mà mỗi nơi một phách, như vậy sẽ không được các thị trường nước ngoài đánh giá cao" - ông Doanh lo ngại.
Công nhân làm việc trong một khu công nghiệp ở Hưng Yên
Nhiều địa phương "xé rào"
Từ vấn đề thiếu liên kết, TS Lê Đăng Doanh cho biết dẫn đến tình trạng các địa phương còn tự "xé rào" về các chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư đến với địa phương. Theo ông Doanh, mỗi địa phương đưa ra một cơ chế riêng để "giành giật" nhà đầu tư như: ưu đãi về tiền sử dụng đất, miễn giảm các loại thuế, phí, thậm chí là vượt khung quy định.
Để giải quyết bất cập này, TS Lê Đăng Doanh kiến nghị các địa phương trong vùng cần ngồi lại để đưa ra những chính sách, cơ chế thu hút đầu tư chung cho vùng, chia sẻ lợi ích và làm động lực chung cho toàn vùng.
Cũng liên quan đến thu hút đầu tư, nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng những năm gần đây, địa phương nào cũng làm xúc tiến đầu tư nhưng chưa có sự thống nhất chung trong vùng. "Việc xúc tiến cũng cần thể hiện vai trò điều phối chung của Chính phủ, các bộ. Không thể địa phương nào cũng xúc tiến mà không nhìn nhận trên điều kiện, chính sách chung của vùng kinh tế trọng điểm" - ông Võ Hồng Phúc bày tỏ và kỳ vọng các bộ sẽ thể hiện vai trò lớn hơn nữa trong điều phối để liên kết các địa phương.
Sự bị động trong thu hút đầu tư cũng được Bộ KH-ĐT chỉ rõ khi nguồn thu của một số địa phương chưa bền vững, còn phụ thuộc vào một số lĩnh vực, một số doanh nghiệp như ngành sản xuất và lắp ráp ôtô của Toyota và Honda tại Vĩnh Phúc (có thời điểm chiếm gần 80% tổng thu nội địa của tỉnh), Ford tại Hải Dương (có thời điểm chiếm 25% tổng thu nội địa của tỉnh). Do đó, khi thị trường ôtô trầm lắng do thay đổi chính sách đối với ôtô nhập khẩu và ôtô sản xuất trong nước, dẫn tới giảm số thu nội địa của các địa phương từ 5%-15% so với dự toán.
"Các địa phương phải tìm đến nhau khi thấy có lợi ích chung. Những vấn đề lớn của vùng như thu hút đầu tư, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, xuất nhập khẩu sản phẩm... thì phải tìm hướng đi chung, tạo chuỗi liên kết lớn mạnh trong vùng chứ không thể "một mình một ngựa" - TS Lê Đăng Doanh nói. Ông cũng cho rằng không nên lấy địa giới hành chính làm giới hạn, bó hẹp không gian hợp tác, tạo ra những ranh giới phi kinh tế.
Khắc phục tính cục bộ trong đầu tư, xây dựng
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, các địa phương trong vùng cần đề cao trách nhiệm và tính chủ động, sẵn sàng trong liên kết, kết nối, điều phối phát triển liên kết vùng. Đồng thời, tăng cường phối hợp thực thi các chính sách chung của Chính phủ, khắc phục tính cục bộ trong các hoạt động đầu tư, xây dựng và phát triển ở các địa phương.
Bình luận (0)