Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) ngày 25-4 đã phối hợp Cục Hải quan TP HCM tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP HCM. Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp nêu ý kiến về những vấn đề vướng mắc liên quan đến việc thực thi các chính sách thuế và chính sách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Giải đáp thỏa đáng nhiều thắc mắc
Thông tin tại hội nghị, bà Lê Thị Thùy Dung, Phó Trưởng Phòng Giám sát Quản lý - Cục Hải quan TP HCM, cho biết các bộ, ngành đã ban hành một số thông tư mới, sửa đổi bổ sung thông tư cũ… liên quan đến lĩnh vực hải quan như quy định về xuất xứ hàng hóa, kiểm tra chất lượng hàng hóa.
"Sắp tới có nhiều quy định mới mà doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn cụ thể để áp dụng thuận lợi nhất" - bà Dung nói.
Nhiều câu hỏi của doanh nghiệp tại buổi đối thoại cũng được giải đáp thỏa đáng. Cụ thể, Công ty TNHH Container Đỉnh Thép (Nhà Bè) hỏi về cách mở tờ khai, thủ tục thanh toán USD, cách tính và đóng thuế khi mua container của hãng tàu nước ngoài cho thuê có bãi chứa tại TP HCM. Ông Vương Tuấn Nam, Trưởng Phòng Giám sát Quản lý về hải quan - Cục Hải quan TP HCM, dẫn ra các điều khoản quy định cụ thể và hướng dẫn cách thức thực hiện cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp hỏi về việc kê khai, xác định trị giá tính thuế hàng thuê, mượn; chính sách thuế của một số mặt hàng như muối, đường, lá thuốc lá…
Đại diện một doanh nghiệp cho biết với nhóm hàng hóa chất, điện tử… được giảm thuế VAT 8%-10% nhưng hiện nay một số doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ trong áp dụng dù 2-3 năm nay đã có vài công văn hướng dẫn. Doanh nghiệp rất ngại khi không rõ mà áp dụng sai thì có khi bị phạt, mà tiền phạt có khi còn cao hơn tiền thuế được giảm.
Theo tinh thần chung của các hướng dẫn liên quan đến giảm thuế VAT là doanh nghiệp tự khai tự chịu trách nhiệm. Nhưng với nhóm hàng công nghệ thông tin, khi tự khai thì rất khó khăn bởi có liên quan đến đơn vị cung cấp hàng cho Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông... Theo các doanh nghiệp, chi phí lưu kho bãi nhóm hàng công nghệ thông tin rất tốn kém, trong khi thủ tục khó khăn, mất thời gian nên rất cần được hướng dẫn quy trình cụ thể.
Trước những thắc mắc của doanh nghiệp, các cán bộ của Cục Hải quan TP HCM giải đáp, hướng dẫn cụ thể hoặc cung cấp thông tin để doanh nghiệp liên hệ trực tiếp để được hỗ trợ.
Đồng hành tháo gỡ khó khăn
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, nhìn nhận năm 2023, ngành xuất nhập khẩu đã khó khăn thì năm 2024 cũng không thuận lợi, nhất là chi phí; trong đó, cước vận tải tăng là gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp.
"Ngành hải quan rất đồng cảm và cũng rất tự hào khi các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn để đạt kết quả xuất khẩu tốt" - ông Nghiệp bày tỏ.
Theo ông Nghiệp, trong thời gian qua, 95% vướng mắc của doanh nghiệp phản ánh qua đường dây nóng của Cục Hải quan TP HCM đều phát sinh từ cửa khẩu. Do đó, khi có vướng mắc về thủ tục hải quan, doanh nghiệp chủ động liên hệ với chi cục hải quan nơi doanh nghiệp mở tờ khai hải quan để được hướng dẫn cụ thể, tránh mất thời gian phải chuyển thông tin từ cục xuống chi cục. Đối với những vướng mắc liên quan đến các bộ, ngành khác, hải quan sẽ chuyển đến cơ quan chức năng để tháo gỡ.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM chia sẻ mỗi lần đối thoại đều nghe rất nhiều lời "ca thán" của doanh nghiệp, "nhưng phải nghe để thay đổi". Ông cho biết Chính phủ vừa chỉ đạo ngành hải quan đẩy mạnh chuyển đổi số nên sắp tới sẽ có nhiều thay đổi, trong đó có thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành, nơi làm thủ tục… Những quy định mới này liên quan trực tiếp hoạt động của doanh nghiệp nên doanh nghiệp cần được tập huấn, hướng dẫn cụ thể.
"Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp khi có ý kiến, kiến nghị và nêu khó khăn vướng mắc thì cần đưa ra giải pháp, kiến nghị tháo gỡ cụ thể như thế nào để ngành hải quan thống kê, chuyển các kiến nghị này đến bộ, ngành cùng tháo gỡ… Không chỉ đối thoại mà hải quan còn đồng hành với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, cùng tiến bộ chứ không hô khẩu hiệu suông" - ông Nghiệp thẳng thắn.
Theo chương trình trọng tâm năm 2024 của Cục Hải quan TP HCM, đơn vị sẽ thực hiện đối thoại chuyên đề với 4 nhóm lĩnh vực, gồm: doanh nghiệp chế xuất; doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu; doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, cảng và doanh nghiệp đại lý thủ tục hải quan.
Từ năm 2002 đến nay, Cục Hải quan TP HCM đã phối hợp ITPC tổ chức 66 hội nghị đối thoại trực tiếp và trực tuyến, thu hút hơn 17.250 lượt doanh nghiệp tham dự với hơn 2.706 câu hỏi được trả lời.
Bình luận (0)