Trong năm 2023, theo đánh giá của cơ quan hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới trong năm 2023 diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường. Các hành vi vi phạm tập trung vào việc: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng, vận chuyển trái phép hàng cấm, ma túy, động vật hoang dã, tiền tệ qua biên giới, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Phát hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy lớn
Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan đã triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và chỉ đạo Cục hải quan các địa phương thực hiện quyết liệt. Theo đại diện Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.618 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 11.521 tỉ đồng, tăng 98,9% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ quan hải quan đã khởi tố 35 vụ, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022 và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 474,3 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong năm 2023 cũng nổi lên hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới có chiều hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo đó, các đối tượng vi phạm cất giấu, ngụy trang ma túy thành hàng hóa, hành lý thông thường, mang theo người... tập trung chủ yếu tại các các cửa khẩu biên giới giáp với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Đặc biệt, tình hình tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng tại tuyến hàng không, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ.
Hải quan tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại
Xác định đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng triển khai các kế hoạch công tác, phát hiện 243 vụ việc, cùng 277 đối tượng liên quan đến ma tuý. Tang vật thu được khoảng 2,8 tấn ma túy các loại gồm: 3,1 kg thuốc phiện; 105,8 kg cần sa; 106,1 kg heroin; 330,9 kg cocain; 1537 kg ketamin và 14552 viên ketamin (dạng viên); 688 kg ma túy tổng hợp và 3224 viên ma tuy tổng hợp (dạng viên); 10,1 kg ma túy khác; 1155 viên ma túy khác (dạng viên) và 96,36 gram cỏ mỹ và 300 túi nước vui. Nổi bật là Chuyên án ĐH323 do Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì vào tháng 5-2023. Thời điểm đó, lực lượng hải quan kiểm tra các kiện hàng được gửi theo đường hàng không từ Sec về Việt Nam thu giữ 121,1 kg ma túy các loại.
Tăng cường chống buôn lậu dịp Tết Giáp Thìn 202
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết trong nam qua, ngành hải quan đã tiếp tục tăng cường thu thập thông tin, phân tích, xác định trọng điểm để kiểm tra, giám sát trực tuyến qua hệ thống camera giám sát, hệ thống seal định vị điện tử, cân điện tử, máy soi container. Theo đó, qua công tác trực ban đã phát hiện các doanh nghiệp thường lợi dụng các phương thức để buôn lậu, gian lận thương mại như không khai báo để nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; khai báo sai tính chất của hàng hóa; khai sai tính chất, hàm lượng hàng hóa để xuất khẩu hàng hóa có điều kiện; khai báo sai hoặc không khai báo rõ tính chất hàng hóa để áp mã sai nhằm giảm số thuế phải nộp. Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết năm 2024 sẽ tiếp tục cường công tác kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại, công tác quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng cho biết vừa ban hành kế hoạch về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tại kế hoạch này, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục Hải quan các địa phương đấu tranh, bắt giữ và xử lý đối với mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Cùng với đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu, chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa, tập trung trọng tâm, trọng điểm theo các tuyến, mặt hàng, loại hình.
Bình luận (0)