Tâm trạng trên đường phố
Tường thuật từ Seoul, phóng viên The Guardian mô tả buổi sáng 4-12 tại Hàn Quốc là "bối rối và buồn bã", sau khi lệnh thiết quân luật được đưa ra bất ngờ đêm 3-12 rồi dỡ bỏ ngay sáng sớm hôm sau.
Thế hệ lớn tuổi cho rằng sự việc xảy ra đêm trước đó "không phải Hàn Quốc thế kỷ XXI". Họ là thế hệ từng chiến đấu trên đường phố chống lại chế độ độc tài quân sự khi còn trẻ (những năm 1980) và việc thiết quân luật đêm 3-12 gợi nhớ đến thời kỳ đó.
Trong khi đó, các công dân trẻ tuổi cho rằng danh tiếng đất nước đã bị tổn hại.
“Ngoài ra, mọi người đều tự hỏi mục tiêu cuối cùng của tổng thống là gì. Từ trong chính trường, ông Yoon đang phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức hoặc bị luận tội" - The Guaridan thông tin thêm.
Đêm kịch tính ở trụ sở quốc hội
Ghi nhận tình hình qua đêm bên ngoài tòa nhà quốc hội Hàn Quốc, truyền thông Hàn Quốc và thế giới cho biết có hàng trăm người biểu tình tụ tập phản đối lệnh thiết quân luật.
Đã xảy ra xô xát giữa người biểu tình và quân đội nhưng chưa có báo cáo nào về thương tích hay thiệt hại tài sản đáng kể.
Ít nhất một cửa sổ đã bị vỡ khi binh lính cố gắng xông vào tòa nhà quốc hội trong khi trực thăng quân đội hạ cánh trên nóc tòa nhà.
Đảng cầm quyền của tổng thống cũng phản đối
Sau khi quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu yêu cầu bãi bỏ lệnh thiết quân luật, các quan chức quân đội vẫn khẳng định sẽ duy trì lệnh này cho tới khi đích thân tổng thống dỡ bỏ.
Tuy nhiên, các đảng phái chính trị đã đồng lòng yêu cầu thực thi. Ngay cả Đảng Quyền lực nhân dân của ông Yoon cũng mô tả nỗ lực áp đặt thiết quân luật của ông là "thảm kịch" và yêu cầu những người liên quan phải chịu trách nhiệm.
Video: Toàn cảnh một đêm thiết quân luật ở Hàn Quốc
Trong khi đó, đảng Dân chủ đối lập chính của Hàn Quốc đã yêu cầu ông Yoon từ chức.
Áp lực ngày càng gia tăng đối với tổng thống Hàn Quốc sau vụ việc chấn động đêm qua. Tổ chức công đoàn chính của đất nước cũng đã kêu gọi một "cuộc tổng đình công vô thời hạn" cho đến khi tổng thống từ chức.
Sáu tiếng sau khi ban hành, Tổng thống Yoon tuyên bố vào khoảng hơn 3 giờ sáng 4-12 (giờ địa phương) rằng thiết quân luật sẽ được dỡ bỏ và binh lính trở về doanh trại.
Phản ứng của Mỹ
Cũng trong sáng 4-12 theo giờ Hàn Quốc, Nhà Trắng cho biết họ cảm thấy nhẹ nhõm khi ông Yoon đảo ngược quyết định ban bố thiết quân luật.
"Dân chủ là nền tảng của liên minh Mỹ - Hàn, và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình" - một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết.
Trước đó, Mỹ tuyên bố họ đang theo dõi với "mối quan ngại sâu sắc" các sự kiện ở đồng minh châu Á quan trọng của mình, nơi có 28.500 quân Mỹ đồn trú.
Việc dỡ bỏ thiết quân luật hôm 4-12 diễn ra sau cuộc bỏ phiếu của 190 nhà lập pháp và tổng thống Hàn Quốc buộc phải tôn trọng quyết định đó.
Sáu giờ sau khi ban bố thiết quân luật, ông Yoon cho biết quân đội sẽ trở về doanh trại và lệnh này sẽ được dỡ bỏ sau cuộc họp nội các.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) Kim Myung-soo đã ra lệnh cho quân đội tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ công chúng sau khi lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ, theo hãng tin Yonhap.
Ông Kim cũng đã ra lệnh cho quân đội duy trì tư thế sẵn sàng vững chắc để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên trong bối cảnh tình hình hiện nay - theo thông tin mà JCS cung cấp cho các phóng viên.
Tổng thống Yoon hủy bỏ lịch trình
Văn phòng của Tổng thống Yoon cho biết hôm 4-12 rằng một cuộc họp theo lịch trình do Tổng thống Yoon Suk Yeol triệu tập, lẽ ra sẽ là lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên của ông kể từ khi lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ, đã bị hoãn lại.
Trước đó, ông Yoon đã lên lịch triệu tập cuộc họp về ứng phó với ma túy tại văn phòng tổng thống lúc 10 giờ (giờ địa phương). Quan chức cấp cao thông tin với báo giới về việc hoãn cuộc họp từ chối cung cấp thêm chi tiết.
Bình luận (0)