Chính sách này có hiệu lực từ ngày 25-10, áp dụng đối với người bị phát hiện lái xe khi say rượu bia nhiều hơn hai lần trong vòng 5 năm qua.
Theo tờ The Korea Herald, người vi phạm sẽ phải tự chịu chi phí lắp đặt thiết bị giống như máy đo nồng độ cồn, gọi là thiết bị khóa liên động đánh lửa, nhằm ngăn xe khởi động nếu nồng độ cồn trong máu của mình vượt quá một mức nhất định.
Thời gian bắt buộc sử dụng thiết bị này sẽ tương đương thời gian giấy phép lái xe của người vi phạm bị thu hồi. Nghĩa là nếu giấy phép lái xe bị thu hồi trong 2 năm thì sau khi được phép lái xe trở lại, người vi phạm phải sử dụng thiết bị trong 2 năm.
Tình trạng lái xe khi say xỉn tồn tại ở Hàn Quốc trong nhiều năm. Số liệu của cảnh sát ghi nhận 130.150 vụ vi phạm trong năm 2023, tăng gần 20% so với mức thấp kỷ lục trong đại dịch và gần bằng 130.772 vụ được ghi nhận hồi năm 2019.
Theo Cục Giao thông đường bộ Hàn Quốc, từ năm 2018 đến năm 2022, tai nạn liên quan đến rượu bia đã cướp đi sinh mạng của 1.348 người và làm bị thương 134.890 người.
Trong khi đó, báo cáo hồi tháng 6 của Viện An toàn Giao thông Samsung cho biết khoảng 43% trường hợp bị phát hiện lái xe khi say rượu là người tái phạm. Hồi tháng 12-2018, quốc hội đã thông qua các sửa đổi về luật để tăng hình phạt đối với hành vi lái xe khi say rượu. Cụ thể, án tù tối đa đối với người tái phạm tăng lên 5 năm, so với mức 1-3 năm trước đó.
Trước Hàn Quốc, một số nước như Mỹ, Úc và Thụy Điển đã áp dụng biện pháp lắp đặt thiết bị khóa liên động đánh lửa trên xe. Nhiều cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng biện pháp này có thể giúp giảm tỉ lệ tái phạm tới 70%.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cũng ghi nhận tại các bang có luật bắt buộc lắp đặt thiết bị nói trên đối với người tái phạm, số lượng tài xế say xỉn liên quan tai nạn giao thông chết người đã giảm 26% trong giai đoạn 2001-2019.
Bình luận (0)