Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam sử dụng nhiên liệu bền vững cho các chuyến bay chở khách thương mại.
Đây là một bước tiến quan trọng của ngành hàng không Việt Nam nói chung và Hãng hàng không quốc gia nói riêng trong hành trình trở thành "Hàng không xanh", góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về "0" (hay còn gọi là "Net zero") vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26).
Việc thực hiện chuyến bay xanh này diễn ra trong bối cảnh đầu năm nay, Chính phủ Singapore cho biết có kế hoạch yêu cầu tất cả các chuyến bay khởi hành từ Singapore phải sử dụng SAF từ năm 2026. Singapore đặt mục tiêu sử dụng 1% nguyên liệu SAF từ năm 2026 và có kế hoạch nâng lên 3% - 5% vào năm 2030. Singapore cũng đã lên kế hoạch áp dụng thuế SAF để đảm bảo chi phí cho các hãng hàng không và khách du lịch.
Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã đề ra mục tiêu loại bỏ khí thải để đạt được mục tiêu trở thành một khối trung hòa carbon vào năm 2050. Châu Âu hiện đang lên kế hoạch sử dụng bắt buộc SAF.
SAF là loại nhiên liệu được sản xuất từ nguyên liệu tái tạo và có nguồn gốc bền vững như dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật thải. SAF đáp ứng các tiêu chuẩn hàng không quốc tế nghiêm ngặt và có thể sử dụng an toàn trên các chuyến bay thương mại.
SAF có thể giúp giảm tới 80% lượng khí thải nhà kính trong suốt vòng đời của nhiên liệu, đồng thời giảm thiểu các khí thải độc hại khác như NOx, SO2 và bụi mịn, từ đó góp phần giảm hiệu ứng nhà kính.
Ngoài ra, SAF có thể được lưu trữ và vận chuyển như nhiên liệu hóa thạch truyền thống, có khả năng hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết lạnh và giúp cải thiện hiệu suất bay. Những điều này giúp SAF trở thành nguồn nhiên liệu thay thế tiềm năng cho nhiên liệu hóa thạch, góp phần quá trình cắt giảm khí thải carbon cho ngành hàng không.
Sử dụng nhiên liệu SAF là xu hướng được quan tâm trên thế giới hiện nay. Tại phiên toàn thể lần thứ 41 của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) năm 2022, các cơ quan hàng không đã cùng nhau cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Hàng không, chiếm khoảng 2% lượng khí thải toàn cầu, được coi là một trong những lĩnh vực khó giảm phát thải nhất. Giá nhiên liệu hàng không bền vững hiện nay cao hơn từ 2 đến 3 lần so với nhiên liệu hóa thạch truyền thống, thậm chí có thời điểm cao gấp 5 đến 6 lần. Không chỉ đắt, theo các chuyên gia, trên thế giới hiện mới sản xuất 0,1% nhu cầu của các hãng hàng không sử dụng.
Hiện, các viện nghiên cứu, các nhà cung cấp nhiên liệu hàng không đã tích cực đầu tư, phát triển các công nghệ sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững.
Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ: "Hãng đang tiếp tục hợp tác với các đối tác trong chuỗi cung ứng để mở rộng việc sử dụng SAF trong thời gian tới, qua đó góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về giảm mức phát thải ròng bằng 0 và ngăn ngừa biến đổi khí hậu."
Nhiên liệu SAF của chuyến bay VN660 từ Singapore đến Hà Nội được cung cấp bởi Neste - nhà sản xuất hàng đầu thế giới về nhiên liệu hàng không bền vững và diesel tái tạo. "Chúng tôi mong muốn mở rộng sự hợp tác này"- Bà Carrie Song, Phó Chủ tịch Cấp cao Thương mại của ngành Sản phẩm Tái tạo tại Neste, cho biết.
Bên cạnh nỗ lực sử dụng SAF, Vietnam Airlines đã và đang thực hiện mạnh mẽ nhiều biện pháp khác nhằm cắt giảm lượng khí thải CO2 như khai thác, sử dụng đội máy bay thế hệ mới để giảm phát thải CO2 thông qua tiết kiệm nhiên liệu; tối ưu đường bay, lịch bay và tối ưu trọng lượng chất xếp để giảm tiêu hao nhiên liệu; đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin theo dõi tiêu hao nhiên liệu, phát thải CO2 và có sự xác minh của đối tác thứ 3 để gửi cơ quan nhà nước…
Năm 2023, lượng khí CO2 Vietnam Airlines cắt giảm được là gần 70.000 tấn, giảm được nhiều hơn 1,5 lần so với năm 2022 (44.240 tấn).
Bình luận (0)