xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hàng hóa rủ nhau tăng giá trước Tết

Bài và ảnh: Thanh Nhân

Thời tiết bất lợi trong năm 2024 khiến nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước lẫn nhập khẩu bị ảnh hưởng

Nếu như thời điểm này năm ngoái, giá cả thị trường chỉ tăng đối với một số nhóm hàng đặc trưng mùa Tết thì năm nay, tình trạng tăng giá trải đều tất cả ngành hàng, nhóm hàng. Trong thời điểm người tiêu dùng vẫn đặc biệt nhạy cảm với giá cả thị trường, giá tăng khiến những nhà sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ bị động trong việc tính toán giá hàng Tết.

Muốn giữ giá cũng khó!

Vừa nhập lô nguyên liệu làm bánh (bột mì, kem, bơ, sô-cô-la, các loại hạt, dầu ăn…) để sản xuất bánh Tết, chị Đặng Ánh Loan - ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM - choáng váng vì giá món hàng nào cũng tăng 5%-10% so với tháng trước. Nhà cung cấp giải thích họ đã rất nỗ lực bình ổn giá nhưng trước sự biến động của giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển quốc tế và chi phí vận hành vượt ngưỡng có thể xoay xở được nên buộc phải điều chỉnh giá bán để bù đắp một phần chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, với mức tăng tối đa 10% cho tổng chi phí đầu vào, chị Loan tạm thời chưa tính được giá bán ra phù hợp. 

"Dầu ăn là mặt hàng có mức tăng giá mạnh nhất. Dầu M. trước đây có giá 175.000 đồng/bình 5 lít, nay đã vọt lên 200.000 đồng/bình. Trong khi đó, thị trường bánh Tết đang rất cạnh tranh, với rất nhiều loại bánh sản xuất công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng và giá bán rất rẻ. Dù cơ sở của mình sử dụng nguyên liệu cao cấp và chất lượng vượt trội cũng không thể tăng giá bán quá cao" - chị Loan chia sẻ.

Hàng hóa rủ nhau tăng giá trước Tết- Ảnh 1.

Người tiêu dùng chọn mua hàng giảm giá để giảm chi phí khi giá hàng hóa đồng loạt tăng

Chị Hồng Ngà - chủ một cửa hàng thực phẩm ở quận 8, TP HCM - cũng đang gặp khó khăn khi liên tục nhận thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp. Do cửa hàng mới hoạt động hơn nửa năm, lượng khách chưa thật sự ổn định, nên theo kế hoạch ban đầu, chị quyết định giảm lợi nhuận, thậm chí chấp nhận hòa vốn, để giữ giá bán các mặt hàng trước, trong và sau Tết. Tuy nhiên, hiện tại, ý định này đã bị lung lay do giá đầu vào tăng quá nhanh.

"Nhà sản xuất các mặt hàng hải sản chế biến thông báo giá tăng 5%, tai heo ngâm chua tăng 11%, các loại giò chả tăng 13%... Gạo ngon cũng đang có dấu hiệu tăng giá. Các nhà vườn cung cấp trái cây cho biết gần Tết sẽ điều chỉnh giá theo thị trường chung. Chi phí vận chuyển cũng đang trên đà tăng" - chị Hồng Ngà liệt kê.

Giá tăng đồng loạt trong khi sức mua bất ngờ chậm lại trong 2 tuần qua khiến chị Hồng Ngà lo lắng, không dám trữ hàng cũng như không dám tăng giá.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc điều chỉnh giá bán hàng hóa đang diễn ra đồng loạt ở tất cả ngành hàng và nhóm mặt hàng. Sự biến động này bắt nguồn từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển và sản xuất, làm ảnh hưởng đến giá thành hàng hóa. Do đó, một số hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM đã quyết định tăng giá ít nhất 3%-5% đối với hầu hết các nhà cung cấp. Mức giá mới đã được áp dụng cho một số mặt hàng, trong khi những mặt hàng khác sẽ được điều chỉnh trong đợt nhập hàng tiếp theo.

Lo thiếu rau xanh, trái cây

Một thông tin không vui khác đối với người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới là giá một số loại rau xanh, trái cây và thịt heo có thể tăng mạnh so với những năm trước.

Năm 2024, thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài và hạn mặn ở miền Tây đã khiến nhiều diện tích trồng bưởi da xanh bị hư hại. Tại miền Đông (Bình Dương, Đồng Nai), nhiều nhà vườn trồng bưởi cũng gặp thất thu vì tỉ lệ ra bông, đậu trái chỉ đạt khoảng một nửa so với mọi năm. Đến thời điểm này, các hợp tác xã (HTX) trồng bưởi ở cả miền Đông và miền Tây Nam Bộ đều cho biết sản lượng bưởi Tết sẽ giảm khoảng 50% so với Tết năm ngoái và giá bưởi đang có xu hướng tăng.

Đối với mặt hàng đu đủ chưng Tết, một số nhà cung cấp lo ngại sẽ gặp phải tình trạng "dội chợ", dẫn đến lỗ vốn sát Tết như năm 2024 nên đã chủ động giảm sản lượng từ đầu. "Năm nay, thời tiết không thuận lợi, khiến cây trồng mất sức và tỉ lệ đậu trái thấp. 

Bên cạnh đó, cả nhà vườn và nhà kinh doanh đều cẩn trọng hơn, không chạy đua sản lượng như những năm trước, vì vậy giá trái cây Tết này dự báo sẽ cao hơn so với Tết năm ngoái" - giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp chuyên cung cấp rau củ, trái cây cho các hệ thống siêu thị cho biết.

Riêng về mặt hàng rau củ Đà Lạt, một số doanh nghiệp tại Lâm Đồng dự báo nếu thời tiết tiếp tục bất lợi và mưa trái mùa kéo dài, năng suất canh tác sẽ bị ảnh hưởng lớn, có nguy cơ không đủ nguồn cung rau phục vụ cho cao điểm Tết.

Theo ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thái Thịnh (Lâm Đồng), giá nhiều loại rau bán tại vườn đã tăng từ 25% đến 40% so với đầu tháng 12 và có khả năng tiếp tục tăng nếu thời tiết tiếp tục diễn biến xấu. 

Bản thân Công ty Xuân Thái Thịnh đang bị giảm đến 20% sản lượng. Hiện nay, một số loại rau đang có giá khá cao, như lô lô xanh 40.000 đồng/kg, xà lách Carol 25.000-28.000 đồng/kg, cải bó xôi 35.000-37.000 đồng/kg, đậu cove 30.000-40.000 đồng/kg, dưa leo 20.000 đồng/kg...

Tương tự, ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Nông sản Phong Thúy (Lâm Đồng), lo ngại nhiều mặt hàng rau củ ôn đới sẽ giảm phần lớn sản lượng nếu Lâm Đồng tiếp tục có mưa trái mùa. Tuy nhiên, nếu thời tiết ổn định, từ nay đến Tết vẫn còn đủ thời gian để các nhà vườn tiếp tục gieo giống các loại rau lá, kịp cung ứng cho Tết. 

Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở

Sở Công Thương TP HCM vừa có văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức, quận, huyện... tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh việc chấp hành quy định nhà nước về giá hàng hóa tại các chợ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Triển khai việc chốt chặn, kiểm tra hành chính trên địa bàn, không để phát sinh điểm kinh doanh tự phát, hoạt động vận chuyển, giết mổ và kinh doanh gia súc, gia cầm trái phép, không bảo đảm an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng trật tự giao thông và mỹ quan đô thị.

Đồng thời, yêu cầu các ban quản lý chợ tăng cường hoạt động kiểm tra, nhắc nhở bảo đảm thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm, giữ gìn an ninh - trật tự, vệ sinh môi trường tại chợ; tuyên truyền, vận động tiểu thương cam kết không kinh doanh, tàng trữ hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm, không lấn chiếm lòng lề đường...


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo