Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, đã trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động những vấn đề liên quan việc chuẩn bị nguồn hàng Tết, kiểm soát chất lượng, giá cả, khuyến mãi…
. Phóng viên: Tết Nguyên đán 2025 đang rất gần. Sở Công Thương TP HCM và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn có bảo đảm đủ hàng thiết yếu cho người dân đón Tết?
- Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG: Ngay khi kết thúc Tết Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND TP HCM ban hành kế hoạch thực hiện chương trình Bình ổn thị trường năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025. Chương trình có sự tham gia của 69 đầu mối chuỗi cung ứng; phần lớn là các DN quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao.
Đến nay, các DN này đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỉ đồng, trong đó hơn 8.000 tỉ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết. Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng trước, trong và sau Tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thủy hải sản…
Do các DN đã có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết từ rất sớm nên đến nay, hàng hóa trên địa bàn TP HCM rất dồi dào, nhiều mặt hàng/nhóm hàng được bình ổn giá.
Hiện đã vào cao điểm 2 tuần trước Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã tăng cường nhân lực, công suất phục vụ, không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng hoặc ùn ứ khách hàng khi mua sắm. Các hệ thống siêu thị, cửa hàng… đã có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng 1.
Riêng Family Mart, GS25, Kingfood Mart... mở cửa xuyên Tết. Các DN cũng đã lên sẵn phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ nếu có.
. Sức mua thị trường vẫn còn khá chậm so với kỳ vọng của DN. Ông có cho rằng TP HCM và DN cần kích cầu hiệu quả hơn?
- Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố được tổ chức rầm rộ, bằng nhiều hình thức như Shopping Season, khuyến mãi hàng hiệu, khuyến mãi tập trung… Gần đây, chương trình bán hàng lưu động quy mô tập trung do Sở Công Thương phối hợp với một số đơn vị tổ chức đã mang hơn 500 mặt hàng thiết yếu với giá bình ổn, nhiều mặt hàng được bán giảm giá đến 80%, mua 1 tặng 1… đến với người tiêu dùng 7 quận, huyện. Những mặt hàng tham gia chương trình cũng được ban tổ chức chọn lựa theo tiêu chí bảo đảm chất lượng, an toàn sức khỏe, giá cả phù hợp với thu nhập của công nhân, người lao động.
Ngoài ra, Sở Công Thương còn vận động các đơn vị bán lẻ đẩy mạnh liên kết với DN sản xuất trong nước để bảo đảm nguồn cung ổn định, giá hợp lý. Đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá đặc biệt cho hàng Việt; thiết kế gói quà Tết thuần Việt, ưu tiên sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền; tăng cường bán hàng lưu động đến các quận ven, huyện ngoại thành, khu lưu trú công nhân, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Những ngày cận Tết, DN sẽ phối hợp với các hệ thống phân phối thực hiện thêm nhiều chương trình kích cầu, giảm giá sâu nhiều mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, quần áo...
. Nhiều mặt hàng như thịt heo, các loại hạt, trái cây chưng Tết, rau xanh… đang tăng giá do nguồn cung không được dồi dào như những năm trước. Thành phố đã có giải pháp kiểm soát giá cả, ngăn chặn tình trạng đầu cơ và tăng giá bất hợp lý chưa?
- Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 của TP HCM chỉ tăng 3,24%, thấp hơn năm trước và thấp hơn bình quân cả nước (cả nước tăng 3,63%). Trên địa bàn TP HCM không để xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, khan hàng, thiếu hụt nguồn cung… gây sốt giá.
Giá cả các mặt hàng bình ổn luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Chương trình không điều chỉnh tăng giá trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.
Về cung cầu hàng hóa, tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước vừa qua, các bộ, ngành đều đánh giá diễn biến thời tiết, dịch bệnh năm nay không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm bảo đảm theo kế hoạch, đáp ứng tốt nhu cầu, giá không có biến động lớn, kể cả trong giai đoạn Tết Nguyên đán. Thị trường các mặt hàng nguyên liệu, vật liệu không có biến động bất thường, nguồn cung luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng; giá chịu ảnh hưởng của giá thế giới nên có tăng giảm đan xen nhưng biên độ không quá lớn.
Để tìm kiếm nguồn hàng đặc sản vùng miền trên cả nước phục vụ thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán, từ tháng 9-2024, thành phố đã tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Qua đó, TP HCM đã kết nối, bổ sung hàng ngàn sản phẩm phục vụ thị trường Tết.
Ngoài ra, trước tình trạng hàng hóa nhập khẩu, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trên thị trường, Sở Công Thương đã đề nghị các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không sử dụng hàng không rõ nguồn gốc; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời, khuyến khích các DN bán lẻ, sàn thương mại điện tử đẩy mạnh hoạt động phân phối hàng Việt thông qua thiết kế các gói quà Tết thuần Việt, xây dựng gian hàng online "Hàng Việt mừng Tết Việt".
Các DN đang phối hợp chặt chẽ, bảo đảm hoạt động cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu diễn ra liên tục, gần như xuyên suốt Tết để tạo thuận lợi tối đa cho người dân mua sắm và DN có thể tiêu thụ hàng hóa hiệu quả.
Đẩy mạnh chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, năm nay là năm đầu tiên TP HCM triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (chương trình Tick xanh trách nhiệm), nhằm định hướng sản xuất thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực. Chương trình nhận được sự đồng thuận và được dẫn dắt bởi các đơn vị bán lẻ hàng đầu Việt Nam như: Saigon Co.op, Satra, WinCommerce, Central Retail, AEON, MM Mega Market, Lotte, Kingfood Market...
Chương trình nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt sản phẩm "trách nhiệm" và sản phẩm kém. Cụ thể, các hệ thống bán lẻ sẽ có giải pháp nhận diện tại điểm bán như quầy, kệ "Tick xanh trách nhiệm" hoặc dán logo "Tick xanh trách nhiệm" lên bao bì sản phẩm... Qua đó, mở ra cơ hội thị trường cho nhà sản xuất trách nhiệm, từng bước loại bỏ nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận khỏi thị trường.
"Đây không chỉ là giải pháp ngắn hạn phục vụ Tết Ất Tỵ 2025 mà còn là giải pháp căn cơ, là nền tảng xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững bằng cam kết trách nhiệm của từng khâu, từ nuôi trồng, chế biến, lưu thông đến phân phối hàng hóa" - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM nhấn mạnh.
Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng
Trước tình trạng hàng hóa nhập khẩu và hàng không rõ nguồn gốc vẫn còn bày bán công khai trên lề đường, các điểm tự phát hoặc cửa hàng nhỏ lẻ, tiệm tạp hóa..., Sở Công Thương đề nghị các cơ quan, đơn vị tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào nguy cơ đối với sức khỏe khi tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh, chưa qua kiểm chứng chất lượng.
Sở Công Thương còn hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn, nhận biết dấu hiệu hàng giả, nhái, hết hạn sử dụng và khuyến khích ưu tiên mua sắm sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, do các DN trong nước uy tín sản xuất.
Sở Công Thương khuyến nghị người dân nên mua sắm thông qua các chương trình khuyến mãi đã được sở xác nhận, do TP HCM và các quận, huyện, TP Thủ Đức phát động hoặc từ các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường.
Bình luận (0)