Tiểu thương và người làm công tập trung thành từng nhóm nhỏ trước cửa sạp hoặc dọc hành lang, gương mặt ai nấy đều lộ vẻ lo lắng.
Trước đó, từ sáng sớm, nhiều tiểu thương và người làm tại các sạp hàng không mở cửa kinh doanh như thường lệ mà tập trung ở khu vực cổng chợ. Một cuộc làm việc giữa đại diện tiểu thương và ban quản lý chợ đã được tổ chức ngay trong buổi sáng.
Phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hữu Hùng, kinh doanh vàng, lo lắng về quy định hiện tại - buộc kinh doanh vàng phải có hóa đơn điện tử đầu vào. Thế nhưng, nhiều khách vãng lai hoặc khách Việt kiều đem vàng nữ trang từ 5-10 năm trước bán cho tiệm, không có chứng từ chứng minh. Tiệm gia công lại và trưng bày, bán cho khách hàng mới nên không thể có hóa đơn điện tử đầu vào theo quy định hiện hành.
"Chúng tôi rất mong ban quản lý chợ mời đại diện cơ quan quản lý thị trường QLTT) đến gặp gỡ, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn cho tiểu thương kinh doanh đúng quy định của nhà nước" – ông Hùng bày tỏ.
Tương tự, tiểu thương ngành hàng quần áo cũng "khóc ròng" vì không có hóa đơn đầu vào. Nhiều tiểu thương cho hay kinh doanh ngày càng ế ẩm nên không dám sản xuất hàng loạt mà mỗi mẫu quần áo chỉ làm một ít.
"Đa số tiểu thương mua vải, thuê người may để bán. Vải mua từ 10m trở xuống thì người bán không xuất hóa đơn. Phụ kiện như cườm, nút, dây kéo… thì mua ở chợ Soái Kình Lâm (quận 6), cũng không có hóa đơn. Đến khi bán lẻ cho khách hàng cũng không ai lấy hóa đơn. Kết quả là kiểm tra tới đâu vi phạm đến đó, tiểu thương hoảng quá, phải đóng cửa nghỉ bán" – một tiểu thương giải thích.
Bà Trần Thị Hiệp, kinh doanh áo dài, cho biết sạp bà kinh doanh hàng của Thái Tuấn, có hóa đơn đầu vào nhưng thiếu hóa đơn bán lẻ đầu ra.
"Áo dài phải có kết cườm, thêu, vẽ... Lực lượng kiểm tra đòi hỏi xuất xứ cườm, hóa đơn gia công may, thêu, vẽ… thì tụi tui "chịu chết" chứ gia công số lượng ít, chỉ trả tiền/nhận hàng ,đâu có hóa đơn chứng từ gì" – bà Hiệp than thở.
Chợ An Đông là 1 trong những ngôi chợ sỉ nổi tiếng ở TP HCM. Từ sau dịch COVID-19, sức mua ở chợ giảm đến 50% so với thời điểm năm 2019.
Ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng Ban Quản lý chợ An Đông, cho biết khoảng 30% quầy sạp tại chợ tạm đóng cửa trong sáng 19-6. Ban quản lý đã tổ chức gặp và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của tiểu thương.
"Liên tục từ tháng 5 đến nay, Đội QLTT số 5 (thuộc Cục QLTT TP HCM) thường xuyên đến chợ kiểm tra, xử phạt khiến bà con tiểu thương rất lo lắng" - ông Ngọc nêu lý do tiểu thương đóng cửa ngừng kinh doanh hàng loạt.
Gần đây nhất, ngày 13, 14 và 18-6, lực lượng QLTT kiểm tra các hộ kinh doanh ngành hàng quần áo may sẵn. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ kinh doanh đều vi phạm về hóa đơn đầu vào, cách thức ghi hóa đơn… Có những lỗi vi phạm thuộc về chuyên môn ngành dọc, tiểu thương không nắm bắt được.
Hàng loạt sạp hàng ở chợ An Đông đều đóng cửa trong ngày 19-6
"Trên cơ sở kiến nghị của tiểu thương, Ban Quản lý chợ sẽ tổng hợp và kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho bà con kinh doanh đúng pháp luật. Ban quản lý đồng thời động viên bà con mở cửa kinh doanh bình thường trở lại" – ông Ngọc nói.
Bình luận (0)