Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi) hay Cù Lao Xanh (Bình Định), nơi nào "Tự hào cờ Tổ quốc" đặt chân đến đều để lại những nhớ thương, những gửi gắm và tin yêu của ngư dân.
Những ngày vui xứ đảo
Những ngày đầu tháng 7-2023, tôi "nhận lệnh" lên đường vào xã đảo Nhơn Châu (Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định) để thực hiện chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", trao 10.000 lá cờ cho ngư dân địa phương. Trong đó, một nửa cờ dùng cho hợp phần "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", số còn lại sẽ xây dựng "Đường cờ Tổ quốc".
Dẫu là một người con "xứ Nẫu", tôi vẫn chưa từng có cơ hội đặt chân lên đảo Cù Lao Xanh, chỉ mường tượng về xứ đảo một cách mơ hồ qua câu ca "Bình Định có núi Vọng Phu, có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh". Vậy nên, khi ca nô đạp trên sóng cả và vùng cát vàng của xứ đảo dần hiện ra trước mắt, tôi hoàn toàn choáng ngợp trước vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình tại Cù Lao Xanh.
Nói hoang sơ cũng phải thôi, Cù Lao Xanh ngày nay dẫu đẹp, nhưng cơ sở, hạ tầng còn nhiều thiếu thốn. Mới đây thôi, năm 2020, điện lưới quốc gia mới về với hơn 520 nóc nhà trên xã đảo. Người dân địa phương trước nay chỉ hành nghề đánh bắt là chính, mới đây mới tập tành làm du lịch, homestay,… để có thêm thu nhập.
Tuy vậy, hồn cốt của người dân Cù Lao Xanh vẫn rặt "ngư dân". Đến gần hơn với bà con, tôi mới thấy ngư dân xã đảo rất thương yêu, trân trọng lá cờ Tổ quốc. Có người nói với tôi "Từ khi hay tin từ ủy ban, nói sẽ trao cờ tại đảo mình, tôi ngóng lắm, ngày nào cũng chờ đoàn của Báo Người Lao Động đến".
Không chỉ lời nói, cách người dân Cù Lao Xanh hồ hởi đón nhận, trân quý là cờ Tổ quốc khiến tôi tin chương trình thực sự đã đem đến cho bà con một ngày vui, ý nghĩa.
Trên phương diện cá nhân người phóng viên, được trao tận tay cho ngư dân những lá cờ Tổ quốc, cũng như được chứng kiến và ghi lại những xúc cảm thật nhất của ngư dân khi treo cờ lên mũi tàu, đó cũng là một niềm hạnh phúc. Tôi hạnh phúc khi chứng kiến niềm vui của ngư dân và được là một phần nhỏ trong ê-kip thực hiện chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", đem đến những ngày vui cho ngư dân xã đảo Cù Lao Xanh.
"Cồn Cỏ anh hùng trải lá gan"
Trong chuyến công tác cùng Báo Người Lao Động, thực hiện chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình đã cảm tác nên câu thơ "Tiền tiêu đảo nhỏ canh biển lớn/ Cồn Cỏ anh hùng trải lá gan". Câu thơ trên phần nào bao quát những niềm kiêu hãnh, tự hào lẫn xúc động của đoàn công tác khi đến với Cồn Cỏ một dịp tháng 3-2023.
Nếu những hòn đảo khác cuốn hút lòng người bằng thiên nhiên hùng vĩ, sản vật phong phú,…thì Cồn Cỏ - hòn đảo nhỏ nằm phía Đông bến Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) – lại khác hoàn toàn. Với tôi, Cồn Cỏ chính là một khúc ca vang vọng tinh thần bất tử của người lính đảo.
Cũng như nhiều người trong đoàn công tác, ngay từ khi đặt chân lên đảo, tôi đã rất xúc động khi được tận mắt chứng kiến thành quả bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bởi Cồn Cỏ là "cột mốc sống", được xây nên bởi máu thịt của lớp lớp thế hệ cha ông. Nơi đây, giặc Mỹ nhiều lần dội hàng tấn bom đạn, quyết san phẳng bằng được hòn đảo nhỏ này. Nhưng với tinh thần can trường, sắt đá, "thà hy sinh tất cả chứ không để mất đảo, hy sinh đến giọt máu cuối cùng, còn người còn đảo", bộ đội Cồn Cỏ đã đánh hơn 1.000 trận, bắn cháy 48 máy bay, bắn chìm 11 tàu chiến của Mỹ.
Ngày nay, dù khói lửa chiến tranh đã lùi xa hơn 4 thập kỷ, nhưng đứng dưới bóng đại kỳ nơi Cột cờ Tổ quốc Đảo Cồn Cỏ, lòng tôi vẫn dâng lên niềm tự hào, xúc động trước sự hy sinh, xương máu của ông cha ngày trước.
Tôi vẫn nhớ như in, khoảnh khắc lãnh đạo cơ quan trao cờ Tổ quốc, áo phao,… cho hàng chục hộ dân dưới bóng cờ. Lúc đó, hàng trăm trái tim như đều hướng về ngôi sao vàng năm cánh. Ai cũng rưng rưng, tự hào vì được góp một phần nhỏ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân xã đảo có nước da ngăm đậm chất sóng gió biển khơi, nhưng ánh mắt, nụ cười của họ như tỏa sáng dưới nắng chiều lấp loáng. Giây phút đó, tôi mấy thấm thía ý nghĩa của "Tự hào cờ Tổ quốc" – chính là một nguồn động viên, cùng người dân Cồn Cỏ chắt chiu, gìn giữ cho xã đảo xanh mát một màu bình yên.
Hầu hết người dân khi được hỏi, đều có chung mong muốn chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" tiếp tục được lan tỏa, được thực hiện để tập trung nguồn lực từ xã hội, làm động lực cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Tôi cũng không ngoại lệ. Những năm tháng lên rừng, xuống biển thực hiện chương trình đã cho tôi vốn trải nghiệm quý báu, cũng như thêm yêu lá Quốc kỳ. Tình yêu đó cứ mỗi lúc một lớn, hun đúc và rèn giũa qua thời gian, thúc đẩy tôi cố gắng, nỗ lực hơn nữa để đóng góp vào nền tự do, độc lập của dân tộc.
Bình luận (0)