Đã nhiều năm qua, những chuyến tàu, xe nghĩa tình này đã trở thành dấu chỉ hạnh phúc của nhiều người lao động xa quê.
TP HCM có đến gần 5 triệu lao động, chủ yếu tập trung ở các khu vực sản xuất công nghiệp. Lực lượng lao động này đã xây dựng nơi đây thành một thành phố năng động nhất nước, đóng góp ngân sách nhiều nhất, xây dựng những ngành kinh tế mang hàm lượng công nghệ cao. Phần lớn trong số họ cũng đã, đang và sẽ cất bước trong những ngày tới để trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Từ dân số khoảng 5 triệu người vào năm 2000, đến nay dân số TP HCM đã vượt qua 10 triệu người. Đất lành chim đậu. Vùng đất phía Nam này đã là nơi mưu sinh của hàng triệu người. Công việc ổn định, thu nhập tốt nên nơi đây là bến dừng chân của bao người.
Không chỉ TP HCM, các nơi tập trung phát triển kinh tế khác như Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu… những ngày này cũng tấp nập người về quê đón Tết. Sự tất bật này mang đầy đủ niềm vui của sau một năm lao động vất vả.
Tuy vậy, dù mưu sinh nơi đâu, lòng của những người tha hương cũng luôn hướng về quê cha, đất mẹ. Dịp Tết đến cũng là dịp đoàn viên cùng gia đình, cho dù với nhiều người cha mẹ cũng chỉ còn trong ký ức. Chỉ có dịp này là thuận lợi nhất về công việc, ý nghĩa nhất về mặt tinh thần để những đứa con xa quê tìm về tổ ấm, những đứa cháu tìm về ông bà.
Về tập trung vào một thời điểm tất nhiên sẽ gây áp lực lên hệ thống giao thông hiện tại. Nhưng hệ thống đường sá, phương tiện hiện đại ngày càng được cải thiện nên đường về quê ngày cũng càng gần lại.
Cũng không ít người than phiền: Tại sao phải ùn ùn về dịp Tết? Hãy nhìn các nước phương Tây mà học hỏi… Nhưng hãy nghĩ lại, mỗi quốc gia có nền văn hóa khác nhau, quan hệ giữa những người trong gia đình, trong cộng đồng cũng khác nhau.
Chuyện về quê không chỉ là thói quen đoàn tụ mà còn là nghĩa cử của mỗi người, mang cả ý nghĩa nhân văn, tâm linh. Mà ngay cả phương Tây họ vẫn luôn đoàn viên khi đến dịp lễ quan trọng. Chỉ khác là hệ thống giao thông họ tốt hơn, mật độ phát triển kinh tế ít tập trung mà dàn trải hơn nên thuận lợi hơn khi trở về cùng người thân.
Trước đây, khi đất nước còn khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp thì chuyện về quê thường là gánh nặng. Nay đã khác nhiều, các luật về lao động, giáo dục… đã có nhiều sự thay đổi để người lao động, học sinh được nghỉ ngơi dài ngày hơn dịp Tết. Mặt khác, nhiều nơi khuyến khích người dân nghỉ ngơi nhiều hơn, du lịch nhiều hơn, tiêu xài nhiều hơn theo điều kiện tài chính để kích cầu kinh tế.
Trong một năm, ngày Tết là dịp lễ lớn nhất nên người dân có thể thụ hưởng những thành quả lao động của mình, và càng đẹp hơn khi chia sẻ những thành quả đó cùng người thân. Rồi sau Tết, mọi người trở lại các đô thị. Nơi đây họ đã đặt tình cảm, lòng yêu mến vì đã cưu mang từng người trên bước đường mưu sinh. Và cũng ở chính những nơi này, hàng triệu người đặt những viên gạch đầu tiên cho ước mơ tương lai, cho bước đường của những thế hệ kế tiếp.
Bình luận (0)