Theo Science Alert, thứ mà các nhà khoa học tìm thấy trong một thiên thạch ở Nam Cực là hạt khoáng chất nhỏ gọi là olivin, tuy nhiên là loại olivin lạ lùng, chưa từng thấy.
Olivin vốn là một loại silicat chứa ma-giê và sắt, khá phổ biến trên và ngoài Trái Đất. Nhưng thành phần đồng vị của loại olivin trong thiên thạch này xa lạ đến nỗi nó chỉ có thể được tạo ra bởi một ngôi sao khác, đã chết trước khi Mặt Trời ra đời.
Vì vậy, nó chính là đại diện của các hạt tiền Mặt Trời "trong truyền thuyết", vô cùng quý hiếm.
Hạt tiền Mặt Trời là dạng khoáng chất từng được nhắc đến nhiều trong lý thuyết thiên văn, là tàn tích quý hiếm của những ngôi sao cổ xưa, già hơn Mặt Trời hàng tỉ năm.
Nó có thể cho chúng ta biết về các môi trường sao khác nhau trong thiên hà và các kiểu thế giới khác có thể hình thành quanh ngôi sao đó.
Nhà địa chất học vũ trụ Nicole Nevill từ Viện Mặt trăng và hành tinh ở Houston (Mỹ) dẫn đầu đã phát hiện ra các hạt này trong thiên thạch Nam Cực bằng kỹ thuật chụp cắt lớp thăm dò nguyên tử.
Điều này cho thấy hạt này có tỉ lệ đồng vị ma-giê khác biệt với bất cứ thứ gì trong Thái Dương hệ. Tỉ lệ đồng vị ma-giê này là cao nhất trong các hạt từng được biết đến trước đây, phải được sinh ra từ một loại sao - sau đó đã biến thành siêu tân tinh - đốt cháy hydro.
Bản thân thiên thạch chứa báu vật này cũng rất cổ xưa, đã được tìm thấy ở Nam Cực vào cuối những năm 1970.
Đó là một thiên thạch carbonaceous chondrite hình thành từ thuở sơ khai của hệ Mặt Trời, vô tình hứng phải hạt bụi từ một siêu tân tinh còn cổ xưa nhơn nó.
Việc nó hạ cánh xuống Nam Cực là một may mắn cho nhân loại, bởi đã vô tình lưu giữ "tấm vé" mở vào vùng không - thời gian bí ẩn trước khi Mặt Trời hiện diện.
Bình luận (0)