TS Stephen Piva từ Trường Địa lý, môi trường và Trái Đất thuộc Đại học Victoria ở Wellington - New Zealand cho biết các mảnh thủy tinh lạ lùng giữa lục địa không người này đã được tạo nên từ năm 232 sau Công nguyên, từ một trong những sự kiện thảm khốc nhất nhân loại.
Theo Live Science, đó là vụ phun trào núi lửa Taupō ở New Zealand, một trong những "thảm họa lửa" kinh hoàng nhất trên Trái Đất 5.000 năm qua.
Thủy tinh lấp lánh vương vãi khắp nơi từ New Zealand đến Thái Bình Dương, bay tới tận Nam Cực sau cú bùng nổ của "quái vật lửa" 1.800 năm trước - Ảnh: James L. Amos
Có nhiều tranh cãi xung quanh thảm họa đó, bao gồm thời gian xảy ra thảm họa và quy mô của nó. Một số nghiên cứu dựa trên vòng cây đã giúp ước tính sơ bộ về năm Taupō phun trào.
Tuy nhiên, bảy mảnh thủy tinh ở Nam Cực đã thực sự đưa ra câu trả lời chuẩn xác về thời điểm sự việc xảy ra, cũng như chứng minh độ kinh hoàng của thảm họa.
Thủy tinh được tìm thấy ở Nam Cực tất nhiên không phải do con người làm ra và chôn giấu - vì Nam Cực không có một cộng đồng cổ đại nào sinh sống - mà nó là "thủy tinh núi lửa".
Taupō đã bùng nổ mạnh đến nổi thủy tinh được sinh ra từ nhiệt độ và áp suất cực độ đã bắn xa tới tận Tây Nam Cực, ẩn mình trong băng giá.
Nguồn gốc của "kho báu" đáng sợ này được tiết lộ thông qua thành phần các mảnh thủy tinh. Có 6 mảnh trong số đó là thủy tinh từ vụ phun trào núi lửa Taupō.
Mảnh thứ bảy thậm chí còn đáng sợ hơn, vì nó đại diện cho tận 2 cú bùng nổ. Nó được tạo nên bởi núi lửa Ōruanui, phun trào cách đây 25.500 năm. Mảnh thủy tinh này đã ở lại gần Ōruanui sau thảm họa.
Tuy nhiên, 1.800 năm trước, quái vật lửa Taupō mạnh đến nỗi hất tung thủy tinh của vụ phun trào trước, đẩy nó bay tới tận Nam Cực.
Các mảnh vụn cùng nguồn gốc cũng được phân tán khắp Đảo Bắc của New Zealand, phía Tây Nam Thái Bình Dương..., thể hiện sức mạnh của vụ phun trào.
Theo các dữ liệu, vụ phun trào Taupō kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, lên đến đỉnh điểm bằng một vụ nổ dung nham cực kỳ mạnh mẽ, tàn phá khu vực rộng 20.000 km2.
Bình luận (0)