Phản ứng trước vấn đề đang được một số nhạc sĩ đặt ra là ca sĩ phải trả tác quyền cho nhạc sĩ, nhiều ca sĩ tỏ rõ quan điểm không đồng tình.
Ca sĩ cũng làm công
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho rằng: “Ca sĩ không thể tự mình tham gia chuyện trả tiền tác quyền cho tác giả vì đó là công việc được mặc định cho đơn vị tổ chức. Thực tế, Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam luôn có một đội ngũ kiểm soát và đi thu tiền tác quyền từ quán bar, phòng trà, karaoke, siêu thị đến nhà hàng… Chính vì vậy, họ sẽ là người làm việc trực tiếp với đơn vị tổ chức biểu diễn. Còn ca sĩ chỉ đến hát theo lời mời của nhà tổ chức và đơn vị tổ chức này có nghĩa vụ báo cáo và đóng tiền tác quyền theo quy định”.
Ca sĩ Đức Tuấn cũng khẳng định ca sĩ không cần lo. Theo anh: “Thông thường, chuyện trả tiền tác quyền khi sử dụng ca khúc cho tác giả đều do đơn vị tổ chức chương trình thực hiện. Hẳn nhiên, đó là những chương trình biểu diễn tổ chức ở các sân khấu, trung tâm ca nhạc được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép. Với những chương trình biểu diễn định kỳ ở các phòng trà, bar ca nhạc mà không cần phải xin phép tổ chức biểu diễn thì chủ phòng trà, quán bar cũng phải đóng tiền tác quyền theo quý hoặc năm cho Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Chính vì vậy, ca sĩ không phải làm nghĩa vụ trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ nữa”.
Ca sĩ Phương Nga, người nổi tiếng với biệt danh “họa mi” của dòng nhạc thính phòng, cho rằng: “Việc ca sĩ phải trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ là không hợp lý vì tiền cát-sê mà ca sĩ nhận được cũng giống như tiền bản quyền nhà tổ chức trả cho nhạc sĩ mà thôi”. Chị phân tích thêm, một bài hát đến được với công chúng luôn cần đến hai nhân tố, đó là tác giả, cha đẻ của nó và ca sĩ, người thể hiện. Trong trường hợp bán độc quyền thì ca sĩ trả tiền cho tác giả là hợp lý, những trường hợp khác thì không. Trả tác quyền cho nhạc sĩ và thù lao cho ca sĩ là trách nhiệm của nhà tổ chức”.
Trả phí theo kiểu gì?
Vấn đề đang đặt ra là ngoài những chương trình tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp, không ít ca sĩ được mời biểu diễn trong nhiều hoạt động mang tính sự kiện: Lễ động thổ công trình, lễ mừng công, khai trương, tổng kết… do các đơn vị tổ chức mang tính nội bộ; các tiệc cưới, sinh nhật của gia đình, các chương trình biểu diễn ở hải ngoại… với thù lao lên đến vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng nhưng không ca sĩ nào trả thù lao tác quyền cho nhạc sĩ.
Một ca sĩ nổi tiếng cho biết thỉnh thoảng anh cũng nhận đi hát đám cưới và cát-sê đám cưới thường là cao gấp đôi cát-sê hát tại các chương trình biểu diễn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ca sĩ này thừa nhận chưa bao giờ trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ vì có muốn cũng không biết trả thế nào.
Ca sĩ Ngọc Anh chia sẻ có hai dạng đám cưới mà cô nhận lời hát, một là trả tiền thù lao rất cao và chương trình được tổ chức như một buổi biểu diễn thật sự; hai là đám cưới của người thân, bạn bè. Trong trường hợp thứ nhất, để tránh những rắc rối liên quan đến bản quyền, cô chọn biểu diễn những bài trong album của mình, tất cả đều đã mua độc quyền và đương nhiên là không phải trả tiền cho tác giả. Hoặc nếu được yêu cầu, Ngọc Anh chọn những ca khúc tình yêu của Đỗ Bảo, một người bạn thân, để chia sẻ cùng người nghe.
Chỉ nên tùy tâm Ca sĩ Tùng Dương khẳng định đời sống âm nhạc chỉ công bằng và lành mạnh khi nhạc sĩ - ca sĩ có mối quan hệ tốt. Nhưng vấn đề tác quyền giữa ca sĩ - nhạc sĩ nên là tùy tâm mỗi người chứ không thể quy định rạch ròi ca sĩ phải trả tiền khi mà nhà tổ chức đã đảm nhận việc đó. Anh cho rằng chính việc thể hiện tốt nhất tác phẩm của nhạc sĩ chính là sự trân trọng đối với họ. Ca sĩ đi ra từ Giải Sao Mai Ngọc Anh chia sẻ thêm cô không nghĩ các nhạc sĩ tính toán quá nhiều với ca sĩ trong việc bản quyền, “cái họ cần chính là sự trân trọng của ca sĩ với tác giả bài hát chứ không phải tiền bạc” - Ngọc Anh nói.
Ca sĩ này cho hay đôi khi được nhà tổ chức yêu cầu hát Một ngày mới của nhạc sĩ Huy Tuấn, cô đã gọi cho nhạc sĩ đề nghị được hát bài của anh và không chỉ nhận được sự đồng ý mà nhạc sĩ này còn không lấy cả tiền tác quyền. |
Bình luận (0)