Đưa âm nhạc đi tìm công chúng
Có thể nhiều người chưa tán đồng với việc họ làm nhưng họ đã đổ tâm huyết không ngoài mục đích đưa âm nhạc gần hơn với công chúng
Đời sống âm nhạc luôn đòi hỏi cái mới có giá trị, nhất là khi công chúng yêu nhạc bắt đầu chán ngán trước đời sống âm nhạc Việt đang rơi vào tình trạng nhàm chán, thiếu sáng tạo. Trong khi đó, giới sáng tác âm nhạc cứ giẫm chân lên cái cũ thì khát vọng tìm tòi cái mới, lối đi mới của mỗi cá nhân của đội ngũ làm công việc sáng tạo càng mãnh liệt. Đời sống âm nhạc Việt Nam đã và đang chứng kiến không ít sự tìm tòi thể nghiệm như thế.
“Ảo thuật gia của âm nhạc điện tử”
Một liên hoan âm nhạc được tổ chức theo xu hướng quốc tế không dễ có được khán giả đông đảo như các chương trình nhạc trẻ đang thịnh hành. Nhưng suốt 5 năm qua, Trí Minh đã nỗ lực tổ chức các liên hoan âm thanh, mà theo anh, là để “dần hướng công chúng tới một không gian âm nhạc văn minh, giàu sáng tạo với các phần biểu diễn âm thanh, nhạc thể nghiệm, nhạc điện tử…”.
Không đi sao có đường?
Nghệ sĩ Xuân Huy cho rằng truyền thống gia đình của anh là phải làm đến cùng, dù không biết có thành công hay không (bố của Huy là một nghệ sĩ violon đã từng học ở Nhạc viện Thượng Hải - Trung Quốc, còn mẹ thì theo nghề thanh nhạc). “Có thể mình không nhìn thấy tương lai nhưng mình thấy cần thì vẫn làm. Nó cũng giống như việc tham gia vào chương trình Luala, dù không có lợi lộc gì nhưng lại đem tới nguồn vui cho người khác”- Xuân Huy tâm sự.
Anh thẳng thắn cho rằng những gì mình làm vì xã hội, chắc chắn sẽ không ai la mắng, trách móc hay xỉ vả. Vì vậy, có thể nhiều người không tán đồng với việc đưa âm nhạc cổ điển ra đường phố, anh vẫn quyết làm, không ngoài mục đích đưa âm nhạc gần hơn với khán giả. Xuân Huy cho biết sẽ tiếp tục tái ngộ khán giả trong Luala concert vào tháng 11 tới, với những tác phẩm cổ điển và bán cổ điển đan xen, mà như cách nói của anh, là đưa tới cho khán giả món “phở nước” và “phở xào”.
Đỉnh núi thử thách phải vượt qua Trước khi ra mắt khán giả vào năm 2008, Chat với Mazart được coi là một thử nghiệm phiêu lưu của Mỹ Linh, dù chị đã mất tới 2 năm để “sống với từng giai điệu” trong album này.
Được coi là “đỉnh núi thử thách” bằng việc kết hợp giữa phần lời mang đậm âm hưởng Việt Nam với những giai điệu cổ điển, Mỹ Linh cùng ê kíp thực hiện của chị đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Nhưng với Mỹ Linh, đó là chuyện bình thường, không thể tránh khỏi. “Mình lắng nghe nhưng sẽ chỉ làm theo những gì mà mình cho là đúng và tốt đẹp. Còn lại thời gian sẽ trả lời” - Mỹ Linh thổ lộ.
Cũng giống Mỹ Linh, album Li ti của Tùng Dương dù thực hiện kỳ công (mỗi giờ làm là 100 euro, tiền làm album khoảng 30.000 euro phải trả cho ê kíp thực hiện là những chuyên gia nước ngoài) nhưng không phải ai cũng thích vì nó lạ tai đến mức khó nghe.
“Tôi luôn nuôi dưỡng niềm đam mê được thử nghiệm với những điều mới mẻ, với những thách đố bản thân mình” - Tùng Dương thẳng thắn. Có thể Li ti khó nghe được thực hiện theo phong cách electronica, nhạc điện tử kết hợp giao hưởng, ở Việt Nam chưa ai làm.
Tùng Dương cho rằng mọi sự tiên phong, mới mẻ đều khó được chấp nhận ngay vì cần phải có thời gian để thẩm thấu. |
Bình luận (0)