Hỏi thăm nhà ông Lê Văn Chiến, 54 tuổi làm nghề bốc mộ thuê thì đến đứa trẻ lên 5 ở xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, Hưng Yên, cũng kéo tay và chỉ tận nhà người đàn ông này.
Bất đắc dĩ
Ông Lê Văn Chiến làm nghề bốc mộ đã 30 năm.
Men theo con đường đất lầy lội xung quanh là cánh đồng bạt ngàn chuối. Đi đến cuối đường ngôi nhà gói tuềnh toàng, cũ kỹ hiện lên, nó đứng trầm lặng, cũng y như cái nghề, cái cuộc đời của ông.
"Làm cái nghề này không mất nhiều sức, vất cả mỗi cái là làm việc vào ban đêm, người ta ngủ thì mình thức. Nhưng cái chính là phải có lá gan lớn hơn một tý”, ông Chiến nói.
Năm 20 tuổi, lúc đang đào đất để trồng chuối, ông Chiến vô tình đào trúng một cái mả. Các cụ già trong làng bảo ông phải đào hẳn lên, nhặt xương rửa sạch sẽ xếp gọn gàng vào trong một cái tiểu rồi đem chôn cất lại, coi như là mình lấy công chuộc tội, nếu không họ sẽ ám quẻ mình, cuộc sống sau này lắm tai ương. Thế rồi ông Chiến làm theo lời dặn, có các cụ già chỉ bảo thêm.
Sau lần bốc mộ bất đắc dĩ ấy, ông Chiến biết làm và chính thức hành nghề kể từ đó. “Mới đầu tôi cũng ngại không làm, nhưng quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nên tôi làm thêm nghề này để trang trải cuộc sống”, ông Chiến nói.
Những ngày bình thường ông Chiến ở nhà, ai thuê gì làm đấy. Đi hạ cây, phun thuốc sâu…
“Cứ khoảng 2 tháng cuối năm âm lịch, dịp này nhiều gia đình bốc mộ, cải táng, sửa sang phần mộ cho người đã khuất. Đến nhà tìm gặp ông Chiến rất khó, thế nhưng cứ vào nghĩa trang tìm là thấy ngay”- ông Tiến, hàng xóm của người bốc mộ, chia sẻ.
Hơn 30 năm làm nghề bốc mộ, ông Chiến bảo ông chỉ có thể áng chừng đã bật nắp vài trăm chiếc quan tài.
“Có lần đi bốc mộ cho một nhà ở xã bên, do trời mưa nên tôi đi sớm, ra thẳng bãi tha ma chứ không vào nhà gia chủ nữa, ngồi ở dưới thì mưa thế là leo lên cây ngồi phe phẩy cành lá, đợi người nhà gia chủ ra. Lúc sau người nhà gia chủ đến nhìn thấy tôi từ xa chắc tưởng là ma nên hò nhau chạy toán loạn, ngã lên ngã xuống. Nhảy xuống chạy theo gọi họ quay lại, thì càng gọi họ càng chạy nhanh”, ông Chiến kể lại.
Những phen kinh hồn bạt vía
Thường thì những người chết từ 3 đến 5 năm mới sang cát, nhưng cũng có nhiều trường hợp dù đã chôn cất 8 năm nhưng đến khi bốc mộ, vẫn còn nguyên vẹn như lúc sống.
Lần để lại nhiều cảm xúc nhất với ông Chiến là khi sang cát cho bà cụ ở Tứ Dân, cũng thuộc Khoái Châu.
Bà cụ này chết đã được 8 năm, con cháu trong gia đình cho biết đã đi xem đến 3 “thầy” và họ đều khẳng định chắc như đinh đóng cột là đã có thể sang cát. Nhưng khi ông đến vừa bật nắp quan tài lên thì người trong đó vẫn nguyên vẹn hình hài, như đang nằm ngủ.
Khi ấy, ông cũng rùng mình, đã định ra về nhưng nghĩ đến việc “nghĩa tử là nghĩa tận”, ông lại quyết định bắt tay vào công việc mà ai chứng kiến cũng phải hoảng sợ.
Ông Chiến lấy ra một chiếc dây thừng rồi nhảy xuống hố buộc hai tay người chết, treo lên cây chuối cạnh ngôi mộ đó, tay cầm con dao bắt đầu róc những mảng thịt trên thi thể người chết.
Một số người thân trong gia đình chứng kiến đã lăn đùng ra ngất, có người thì vừa trông thấy đã bịt mồm chạy thẳng.
Cuối năm ngoái, ông sang cát cho một gia đình ở làng bên, khi vừa bật nắp quan tài, ở trên nhìn xuống, thi thể đã trơ xương. Thế nhưng khi xuống làm thì phát hiện phần hông vẫn còn nguyên thịt. Lần ấy, ông Chiến dùng tay.
Dụng cụ đi làm của ông Chiến chỉ là cái xẻng, những công cụ khác do gia chủ chuẩn bị |
Lần khác khi vừa xuống mộ để làm, vừa cởi áo người chết ra thì con rắn hổ mang to như cổ tay đang nằm trong bụng nhoi lên, ông Chiến đứng hình, tay chân run lẩy bẩy, không dám thở, mồ hôi chảy nhễ nhại. Lúc sau người nhà khóc lóc, cầu xin thì con rắn từ từ bò đi. Ông Chiến thở phào nhẹ nhõm rồi làm tiếp. |
Mỗi lần bốc một ngôi mộ, ông Chiến kiếm được từ 3-4 triệu, nhưng riêng với những ngôi mộ chưa sạch sẽ, tốn công hơn thì gia chủ phải trả thêm ông ít nhất là 2 triệu nữa. Có những đêm ông bốc 4-5 ngôi mộ. Ngôi mộ nào sạch sẽ thì làm mất khoảng 1 tiếng, mộ nào vẫn còn nguyên vẹn thì lâu hơn có khi mất vài tiếng.
Sau những lần bốc mộ, ông Chiến đi thẳng về nhà, chứ không đến nhà gia chủ ăn bữa cơm với gia đình, bởi ông sợ những ánh mắt xa lánh của những người xung quanh.
“Mỗi khi gia đình có cỗ bàn, đều do vợ tôi đi hết, chứ tôi đi ăn mọi người ngồi cùng mâm không thấy ngon miệng đâu”- ông Chiến trải lòng.
Giấc mơ ám ảnh
Hơn 30 năm làm nghề, ông Chiến không ít lần gặp phải những giấc mơ kỳ lạ mà đến khi kể lại người nghe phải giật mình kinh sợ.
Trong một lần ông nhận sang cát cho một thanh niên chết trẻ ở Thường Tín (Hà Nội). Người này đã được chôn cất cách đây sáu năm, trước lúc chết mang trọng bệnh. Gia đình có điều kiện nên trong thời kỳ mang bệnh, thanh niên này chạy chữa bằng những loại thuốc tốt nhất.
1h đêm, gia đình đưa ông Chiến cùng một thầy cúng xuống khu mộ để làm lễ. Thầy phán chưa đến giờ lành, nên việc sang cát cho người thanh niên phải chờ đến 3h sáng.
Trong lúc chờ đợi, ông Chiến nằm nghỉ chợp mắt để lấy sức, giấc ngủ chưa sâu thì có một thanh niên cứ thì thầm bên tai “đừng đào tôi lên, tôi vẫn còn sống nguyên vẹn đấy”. Ông Chiến bật dậy và kể lại giấc mơ với gia chủ. Phía gia chủ tỏ ra rất lo lắng.
Thế nhưng khi họ hỏi đến người thầy cúng, thì ông này khẳng định, thân thể người thanh niên để được sáu năm không thể còn nguyên vẹn được.
Khi quan tài được bật nắp lên, tất cả đều bật khóc khi chứng kiến cảnh tượng trước mắt. Thân thể của người thanh niên vẫn còn nguyên vẹn như một người sống.
Nhìn cảnh tượng đó, người thân trong gia đình có người sợ hãi ngất ngay tại chỗ, nhiều người không đứng vững. Có người chạy thẳng.
Sau khi tham khảo ý kiến của thầy cúng, gia đình quyết định chôn lại người thanh niên một lần nữa. Và họ đã để đúng bốn năm sau mới tiến hành sang cát lại.
Bốn năm sau vẫn là ông Chiến đến, thật may mắn đã không có một giấc mơ kỳ lạ nào nữa.
Cả nhà biết bốc mộ
Gia đình ông Chiến có 5 người, thì tất cả đều biết nghề. “Trước đây khi chúng nó còn chưa lập gia đình, cứ chiều đến là 4 bố con kéo ra đào mộ, khi nào cách ván thiên khoảng 10 cm thì để lại, đêm được giờ đào tiếp và đưa xác lên, ông Chiến kể.
Ban đầu, con ông Chiến chỉ ra đào mộ và làm mấy công việc phụ thôi, không đứa nào dám mó vào, nhưng rồi dần dần cũng rửa xương, làm dần thấy cũng thuần thục. Có những hôm nhận nhiều đám, ông Chiến chia cho các con đi làm cùng để kịp giờ cho gia chủ.
Nghĩa trang xã Kiến Châu, nơi ông Chiến bốc mộ nhiều nhất |
“Vài năm nay chúng nó đi làm công việc khác, giờ chỉ có tôi và vợ làm”, ông Chiến nói. |
Trước đây bà Quyết vợ ông Chiến thường xuyên “tắm cốt” nhưng vài năm trở lại đây do sức khỏe không còn tốt như trước nên bà ít khi tham gia. Bà thường xuyên ở nhà chuẩn bị đồ ăn đêm và nấu nồi nước lá thơm để ông Chiến tắm rửa mỗi khi đi làm về.
Có lẽ vì sự chu đáo của bà Quyết mà ông Chiến chưa tính tới chuyện giải nghệ. Ông nói: “Khi nào còn người gọi thì tôi còn làm, bao giờ không làm được nữa mới thôi.”
Bình luận (0)