1. Những ngày trong nhà tạm giữ của Công an quận Bình Thạnh, TP HCM đối với Nguyễn Thanh Sơn (50 tuổi, ngụ quận 8) là những ngày dài nhất của đời mình, Sơn là nghi phạm chính trong vụ án giết người mà nạn nhân đau đớn thay lại là người mà tình nghĩa đã là chồng là vợ.
Đối diện với điều tra viên, Sơn khai không nghĩ rằng hành động tức giận bóp cổ vợ mình lại khiến cho vợ mình tử vong, Sơn hối hận và nghĩ đến chuyện tự tử nhưng không thành nên ra đầu thú.
Sơn và bà Maria Nguyễn (tên thường gọi là Ánh, 54 tuổi, quốc tịch Úc) có tình cảm với nhau nhiều năm nay. Cả bà Ánh và Sơn đều nghĩ người kia là điểm dừng cuối đời, nên chuyện gì đến cũng đến, họ dọn về sống cùng nhau tại nhà riêng của bà Ánh tọa lạc trong con hẻm số 71, đường Chu Văn An, phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Điều tra viên đang khám nghiệm hiện trường một vụ án mạng liên quan đến tình cảm xảy ra trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP HCM.
Mối tình vào thời điểm cả 2 người không còn trẻ, chủ yếu nương tựa nhau về mặt tình cảm vào những năm cuối đời. Tin tưởng nhau, cả hai chẳng cần hợp thức hóa mối tình này bằng tờ giấy kết hôn.
Bà Ánh một vài tháng ở Việt Nam, một vài tháng lại về Úc. Nghĩ đến chuyện "Ngưu Lang - Chức Nữ", một vài tháng mới được ở bên nhau, bà Ánh có ý định làm hồ sơ để đưa Sơn qua Úc định cư. Bởi vậy mà bà Ánh và Sơn mới quyết định kết hôn để hợp thức hóa mối quan hệ, để hoàn tất thủ tục cho Sơn.
Và chỉ sau 10 ngày kết hôn thì vụ án mạng oan nghiệt đã xảy ra. Chỉ mấy ngày trước, bao nhiêu dự định tươi sáng mở ra trước mắt Sơn giờ đã khép lại. Giờ đây Sơn đang đối mặt với bản án nghiêm khắc của pháp luật về hành vi giết người.
Theo hồ sơ vụ án thì tối ngày 2-9, sau đi chơi lễ về, Sơn và bà Ánh xảy ra mâu thuẫn liên quan đến chuyện tiền bạc. Trong cơn tức giận, Sơn đã dùng tay bóp cổ bà Ánh cho đến khi bà bất tỉnh bất động dưới sàn nhà. Thấy bà Ánh nằm bất động, Sơn buông tay và đi xuống phía nhà sau uống nước với ý định lấy lại bình tĩnh để nói chuyện phải quấy với bà Ánh.
Thế nhưng, khi quay lên nhà Sơn vẫn thấy bà Ánh nằm bất động, hốt hoảng Sơn chạy đến lay bà Ánh và kiểm tra thì phát hiện bà Ánh đã ngưng thở. Hoảng loạn, lo lắng về tội ác của mình gây ra. Sơn khép cửa lại ngồi thu lu một góc nhà. Đầu Sơn liên tục nghĩ đến những tình huống mà mình phải đối mặt nếu như vụ bà Ánh bị Sơn giết chết bị phát giác.
Trong lúc mất bình tĩnh, Sơn nghĩ đến chuyện tự tử. Sơn lấy sợi dây điện quấn vào tay mình rồi tìm đến ổ cắm điện. Tay Sơn muốn cắm sợi dây điện vào nguồn để kết liễu đời mình nhưng sự phân vân giữa cái sống và cái chết khiến Sơn chùng tay. Sơn gỡ sợi dây điện ra khỏi người mình ngồi ở góc nhà nhìn thi thể bà Ánh. Sáng hôm sau, Sơn quyết định ra Công an Bình Thạnh đầu thú.
2. Lớn tuổi, không trình độ nên để nuôi sống được gia đình, Tô Út Lớn (49 tuổi, quê Cà Mau, tạm trú Bình Thạnh) phải lao động chân tay, làm nghề thợ hồ nhưng công việc cũng chỉ bữa đực bữa cái.
Không chịu cố gắng chí thú mưu sinh nhằm có cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo khổ quanh năm làm thuê ở mướn, đã vậy Lớn lấy việc thất bại của bản thân để làm tiền đề cho các cuộc cãi vã và lấy rượu để làm bạn. Càng rượu vào càng chán đời, càng chán đời lại càng bạc nhược, càng bạc nhược lại càng hay ghen tuông. Cuối cùng, một chuỗi dài quẩn quanh bi kịch đổ hết vào người vợ của Lớn là chị Nguyễn Thị Vuông (48 tuổi).
Quanh năm lam lũ làm thuê để nuôi con lại có người chồng không làm nên trò trống gì, lại hay nổi máu ghen vô cớ khiến chị Vuông đâm ra chán ngán. Nhiều lần chị Vuông muốn dứt bỏ đi mối quan hệ được gọi là "vợ chồng" này nhưng nghĩ đến những năm tháng hạnh phúc, những đứa con cần có cha nên chị nhẫn nhịn, chịu đựng. Nhưng độ ghen tuông của Lớn ngày càng nặng nên, mỗi lần cãi nhau, đánh nhau, chị Vuông lúc nào cũng là người chịu trận cả về thể xác lẫn tinh thần.
Vậy mà, mãi đến khi ngồi trong nhà tạm giam chuẩn bị hầu tòa về hành vi "Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người" dường như Lớn cũng chẳng hề ăn năn hối lỗi. Lớn luôn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc Lớn gây án chẳng qua là vì quá yêu vợ, đau đớn vì bị vợ… phụ bạc nên mới gây ra vụ án trên.
Buổi tối xảy ra án mạng, Lớn đã nốc khá nhiều rượu cùng nhóm bạn nhậu trong dãy phòng trọ. Lè nhè trở về phòng, thấy chị Vuông, Lớn lại tiếp tục kiếm chuyện. Biết tính khí của Lớn, chị Vuông bỏ ra khỏi phòng.
Cho rằng chị Vuông bỏ nhà theo trai, Lớn cầm con dao đuổi theo, tấn công chị Vuông. Chị Vuông ôm vết thương vừa chạy vừa kêu cứu nhưng chỉ chạy được một đoạn thì gục xuống. Người dân trong dãy phòng trọ đưa chị Vuông đi cấp cứu nhưng người phụ nữ không may ấy không qua khỏi. Vuông bị chính những người bạn nhậu cùng khống chế tước dao và áp giải lên Cơ quan Công an trình báo vụ việc.
Lẽ đời nhiều nỗi niềm đến vậy, hai chợ chồng Lớn ở Cà Mau không mảnh đất chọi chim nên mới bồng bế 4 đứa con lên TP Hồ Chí Minh phụ hồ kiếm cơm qua ngày. Bao nhiêu tiền Lớn đổ hết vào mồi vào rượu, có mỗi chị Vuông phải nai lưng ra làm để nuôi 4 đứa con nhưng vẫn chịu tiếng cay nghiệt của chồng là không chung thủy.
Bị mang điều tiếng lại thường bị đánh đập, không chịu nổi nữa, thời gian gần đây chị Vuông đề nghị li dị với Lớn. Việc chị Vuông đề nghị li dị khiến Lớn lại càng nghĩ chị Vuông có nhân tình và ra tay sát hại.
Khi đang thực hiện bài viết này tôi lại nhớ lại vụ án mạng xảy ra vào quãng thời gian gần đây tại ở Thủ Đức, TP.HCM. Sống đời vợ chồng được 5 năm, Đặng Hoài Thương (30 tuổi) và chị N. (27 tuổi) thường xuyên "cơm không lành, canh không ngọt". Chuyện cơm áo gạo tiền khiến tình cảm của hai người mỗi lúc mỗi xa nhau và đoạn kết của nghĩa phu thê là phán quyết đồng thuận cho hai người ly hôn của tòa.
Dường như thời gian sống xa vợ, Thương suy nghĩ lung lắm và muốn hàn gắn mối quan hệ này. Tuy nhiên, từ khi ly hôn, chị N. đã quyết đoạn tuyệt với Thương và trở về nhà mẹ ruột ở. Thương nhiều lần tìm đến cầu xin mong chị N. trở về xây dựng lại một tương lai mới. Liên tục năn nỉ vợ quay lại nhưng bất thành, Thương vẫn giữ nguyên ý định muốn vợ chồng trở lại như xưa.
Một buổi tối sau khi đi nhậu về, Thương không về nhà mình mà đi qua nhà mẹ vợ. Tại đây Thương lại tìm cách hàn gắn tình cảm nhưng chị N. không đồng ý. Quyết định "chơi lầy", Thương lăn ra giường chị N. với ý định sẽ ngủ lại. Chị N. phản kháng quyết liệt khiến 2 bên cãi nhau kịch liệt. Với suy nghĩ "không phải là người của mình thì cũng chẳng ai có thể đụng đến", Thương lấy con dao đâm vào cổ chị N. Thấy chị N. ôm vết thương hô hoán, mẹ chị N. chạy vào thì bị Thương dùng dao gây thương tích rồi bỏ trốn.
Thật may là chị N. và mẹ được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch.
3. Những vụ án mạng liên quan đến tình cảm, liên quan đến mâu thuẫn vợ chồng thời gian qua gây nhức nhối trong xã hội. Trong cơn tức giận, không làm chủ được bản thân, những đối tượng đã thẳng thừng xuống tay với người đầu ấp tay gối với mình.
Quả thật, tình cảm vợ chồng nếu không được dung hòa, không được giải quyết những mâu thuẫn nhỏ, không kìm chế được cảm xúc bản thân thì để lại rất nhiều hệ lụy đau lòng.
Nhiều lần tôi chứng kiến các vụ án mạng liên quan đến tình cảm mới thấy được nỗi đau phía sau những vụ án mạng này. Đó là người nằm xuống, kẻ rơi vào vòng tù tội, những đứa con mất cả cha lẫn mẹ, mất đi chỗ dựa và để rồi tương lai của chúng bị chuyển sang một hướng khác.
Liệu khi ngồi trong bốn bức tường nhà giam lạnh lẽo, những đối tượng gây án có biết được tội ác của mình gây ra đem đến một hậu quả đau lòng như trên, liệu lương tâm của họ có bị hối hận, cắn rứt.
Lại nghĩ, chuyện mâu thuẫn vợ chồng không phải là chuyện bộc phát mà thường âm ỉ như những đốm lửa như ủ dưới tro tàn có nguồn gốc từ những mâu thuẫn nhỏ nhưng không có hướng giải quyết kịp thời để dần dà chỉ cần một cơn gió thoảng, hay thêm một ít củi nỏ là lại bùng cháy đến không kìm chế được. Và thêm nữa, để ngăn chặn những vụ án đau lòng như thế này không thể chỉ nói đến luật hay nhận thức trong lúc nóng giận.
Điều cốt lõi của vụ việc là trong tình cảm vợ chồng, cả hai cần tự vun xới cho mối quan hệ của mình, tự giải quyết những mâu thuẫn nhỏ và đừng để những xung đột lớn xảy ra. Làm được điều này cần phải bắt nguồn từ hai phía chứ một bên xây, bên phá thì làm sao có thể vững bền.
Bình luận (0)