Mới đây, giàn bí đao trước nhà ông Tôn đổ sập, mấy chục trái nặng trịch đang treo lủng lẳng rớt ập xuống đất. Đó là một bữa bà Hương, vợ ông vào Sài Gòn thăm con, ông ngồi nhà ngó ra thì nghe tiếng kêu răng rắc. "Cái giàn bằng tre ba năm rồi chưa làm lại, tính ráng đến mùa sau mà nó đình công rồi", ông bông lơn kể.
"Giàn bí sập rồi bà ơi", nghe chồng nói qua điện thoại, bà Hương nóng ruột lên xe đò về quê. "Cái giàn nặng lắm, cũng may ổng không đứng dưới giàn lúc đó chứ không là có chuyện liền", bà Hương nói.
Bà Hương bên trái bí lớn nhất khi giàn bí đao bị sập. Ảnh: Phạm Linh. |
Ông Tôn đã xấp xỉ 70 tuổi, những vườn bí đã thân thuộc với ông từ thuở bé. Ông nhẩm tính, mỗi giàn có mấy chục đến gần trăm trái, mỗi trái 30 - 60 kg, giàn tre phải chịu lực đến gần nửa tấn. "Xưa nay sập giàn không phải là chuyện lạ", ông nói.
Thôn Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ (Bình Định) của ông được gọi là làng bí đao khổng lồ với khoảng 50 hộ trồng. Người dân thường xuống giống vào tháng Chạp và bắt đầu thu hoạch vào cuối tháng Tư âm lịch, khi trái đã đạt trọng lượng trên 50 kg, có trái lên đến 60 kg.
Để trái không bị rớt xuống đất, họ mắc võng tự chế để bí "ngủ" dưới giàn. Giữa mùa nắng, những trái bí đong đưa, lấp ló khiến người phương xa ngạc nhiên thích thú. Nhưng điều kỳ lạ là, khi xin giống về trồng, không nơi nào có thể cho trái to như ở đây.
Chưa có nhà khoa học nào lý giải vì sao bí ở vùng đất này cho trái không lồ. Còn người làng Chánh Trạch cho rằng giống bí độc nhất vô nhị có được do thổ nhưỡng đặc biệt và cách chọn giống, trồng trọt truyền thống.
Vùng đất này được bao vây bởi núi dựng ba mặt, hướng về phía biển, ở giữa là đầm lầy. Tích xưa kể lại rằng, có một người khổng lồ đã gánh hai quả núi ngăn dòng thủy quái, đến nơi này thì đòn gánh gãy nên núi rơi xuống. Mùa lũ, đất núi lở theo nước chảy ồ ạt xuống lòng sông, lắng lại phù sa.
Ông Nhữ Xuân Nhân - Trưởng thôn Chánh Trạch kể, trước đây bàu Chánh Trạch là con sông lớn, sau bị bồi lấp. Khi người dân đào giếng bà con vẫn thấy xác tàu mục hoặc vỏ sò.
Đến giờ, Chánh Trạch vẫn là vùng trũng thấp, mỗi mùa lũ, phù sa tiếp tục vun đắp thêm màu mỡ. Được mệnh danh là "túi mật" của Bình Định, bàu đã sinh ra hai loài "kỳ hoa dị thảo" là nếp 3 tháng và bí đao khổng lồ.
Ông bà xưa truyền lại phải chọn trái to nhất, khi bí già thì lấy hột phơi để giống cho mùa sau. Cứ thế, tính trạng tốt được chọn lọc từ đời này qua đời khác. Ngoài ra, người dân phải thúc bí bằng cách bỏ nhiều phân chuồng, bánh dầu để tăng dinh dưỡng cho đất.
| |
Bí được tận dụng từ lúc ra lá non đến lúc quả già. Bà Nguyễn Thị Én cho biết có thể lấy nhánh, lá để luộc, khi lớn thì lấy quả nấu canh. Đặc biệt, nước bí được người dân dùng chai, lọ hứng từ dây bí được xem là tinh túy khi hấp thụ được đất và nước của bàu Chánh Trạch. "Nước này làm mát cơ thể và giải độc", bà Én chia sẻ. |
Tìm đầu ra cho bí
Cân nặng vừa là điểm độc đáo nhưng cũng gây khó khăn khi thu hoạch. Người dân làng thường xúm lại hai, ba người để "rước" bí xuống đất. Thu hoạch xong, khâu tiêu thụ cũng lắm công phu. "Hồi xưa phải gánh lên chợ phiên xẻ ra bán. Bán không hết thì gửi lại để phiên sau", ông Tô kể. Ngày nay, ngoài tiêu thụ ở các chợ nhỏ, thương nhân còn mua bí làm nước, mứt, bán trong siêu thị.
Năm ngoái, bí bán được giá 4.000 đồng mỗi kg, một sào bí thu nhập đến 15 triệu đồng. Song theo người dân, bí tiêu thụ rất chậm. "Năm nay đã rao trên mạng nhưng chẳng có mấy người đến hỏi mua. Nếu bán không hết thì phải chẻ ra phơi khô, nấu nước uống", chị Kiều Uyên, gia đình có hơn hai sào bí, chia sẻ.
Hai năm nay, khi làng bí đao dần nổi tiếng trên truyền thông. Một công ty du lịch đã liên kết với các nhà vườn để triển khai tour du lịch cộng đồng đến làng quê này.
Anh Nguyễn Ngọc Thạch - Giám đốc công ty cho biết, là người con Phù Mỹ, từng công tác ở Sở Du lịch Bình Định, anh nhận thấy tour "bí đao khổng lồ" là một thị trường ngách tiềm năng.
"Du khách rất thích thú và hiếu kỳ, họ thích chụp ảnh với trái bí đao nặng bằng người lớn", anh Thạch chia sẻ. Ngoài ra, du khách đến đây còn được uống nước bí đao nguyên chất, trà bí đao sao trên than hồng và canh bí đao hầm xương. |
Theo anh Thạch, đầu ra của bí luôn là một vấn đề nan giải. Để cải thiện thu nhập cho bà con, anh trả phí tham quan cho người dân. Du khách cũng mua bí đao mang về. Thêm nữa, người dân phải đa dạng hóa các sản phẩm từ bí như mứt bí, nước bí...
"Có thể kết hợp đưa du khách tham quan làng bí đao với tham quan danh lam, thắng cảnh, trải nghiệm thiên nhiên ở địa phương", Giám đốc công ty du lịch nêu ý tưởng.
Bình luận (0)