Đỗ Thành Nhân (hay còn gọi là Đỗ Thanh Nhân, Đỗ Thành Nhơn) không rõ năm sinh, mất năm 1781, được xem là một trong Gia Định tam hùng (hai người kia là Châu Văn Tiếp và Võ Tánh), là ba “con hổ” của đất Sài Gòn xưa.
“Tôi chết không nhắm mắt nhưng hậu thế sẽ không chê cười tôi”
Đỗ Thành Nhân theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Nam, về đất Ba Giồng (Định Tường) gây dựng đồn lũy, chiêu mộ được tới 3.000 gia binh. Ông tự xưng là Đông Sơn đại tướng quân, lấy tên đối chọi với quân Tây Sơn. Khi chúa Thuần chết, ông theo phò Nguyễn Ánh, đem quân Đông Sơn đánh khắp nơi, lập được nhiều công trạng như hai lần đánh bại quân Tây Sơn, chiếm được thành Gia Định khiến Nguyễn Lữ phải rút về Quy Nhơn, dẹp các cuộc nổi loạn của người Khmer hay giúp vua Chân Lạp…
Vì vậy đến năm 1780, khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, ông được phong chức Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng quân. Có thể nói đường hoạn lộ của Đỗ Thành Nhân vô cùng rực rỡ, chỉ trong sáu năm, ông từ chức quan võ nhỏ nhất leo lên đến chức quan võ cao nhất trong triều đình. Tuy có tài nhưng Đỗ Thành Nhân cũng có nhiều tật, trong đó có tính ngang tàng, ăn nói bạt mạng nên làm mất lòng rất nhiều người. Khi Nguyễn Ánh bày tỏ ý định cầu viện quân Xiêm và quân Pháp để đánh Tây Sơn, Đỗ Thành Nhân đã thẳng thừng can ngăn: “Mời họ đến thì dễ, đuổi họ đi mới khó”. Do nghịch ý Nguyễn Ánh nên ông cũng bị vua ghét. Sau khi được phong quan chức cao, Đỗ Thành Nhân trở nên tự phụ, ngạo mạn… Triều thần có người đã khuyên Nguyễn Ánh là Đỗ Thành Nhân ngày càng lộng quyền, có nguy cơ phản loạn, nên trừ bỏ sớm đi để ngăn hậu họa về sau. Gia Long chuẩn y, giả vờ bệnh nặng, mời Đỗ Thành Nhân về gặp rồi cho võ sĩ mai phục ngoài tư dinh của ông để bắn tên tẩm thuốc độc hạ sát. Đỗ Thành Nhân vừa ra khỏi dinh bị trúng ba mũi tên, khi chất độc phát tác, biết không sống được, ông ngửa mặt lên trời kêu lớn: “Tôi chết không nhắm mắt nhưng hậu thế sẽ không chê cười tôi”.
Sợ tội tru di tam tộc, con cháu ông sau khi bí mật chôn cất đã phải tản mát đi nơi khác và thay tên đổi họ để tránh họa. Mãi sau này vua Thiệu Trị mới giải oan cho ông cùng nhiều công thần khác.
Việc Nguyễn Ánh giết Đỗ Thành Nhân là một sai lầm lớn, thủ lĩnh Tây Sơn Nguyễn Nhạc nghe tin cười nói rằng “Thành Nhơn bị giết, các tướng còn lại không đáng sợ”. Sau đó Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ đưa quân đánh vào Gia Định, đánh đâu thắng đó khiến Nguyễn Ánh phải lưu vong.
Tìm thì không thấy, không đi tìm lại thấy
Nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn-Gia Định, bà Trần Thị Mới (hay Đỗ Thị Mới) và Huỳnh Thị Đệ đại diện cho con cháu của Đỗ Thành Nhân đã gửi thư cho nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật đề nghị giúp hai việc: Tìm cách làm rõ công và tội cho Đỗ Thành Nhân và tìm mộ phần thất lạc của ông. Đây cũng là việc mà ông Truật tìm kiếm lâu nay nhưng chưa có kết quả. Bản thân ông Truật cũng là dòng dõi của Đỗ Thành Nhân. Mộ bị thất lạc có người nói nằm ở đất Lưỡng Long hoặc khu Tháp Hòa (Phú Lâm)… nhưng nhiều lần đi tìm không thấy dấu vết.
Bốn năm sau, đến năm 2002, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) mở đường. Sát bên đường Phạm Ngũ Lão có một ngôi mộ cổ vài trăm năm, được dân ở đây gọi là mộ Ông Lớn, tháng 10 âm lịch hay tổ chức cúng giỗ như thành hoàng của làng trước đây. Chính quyền địa phương rất muốn biết đây là ngôi mộ của ai, có tầm quan trọng mức nào để có cách xử lý phù hợp khi giải tỏa mở đường. Ông Đỗ Đình Truật được mời tới nghiên cứu ngôi mộ.
Đầu ngôi mộ có một tấm minh văn (hay bài kệ) chỉ ghi chung chung ca ngợi công đức của cha mẹ sinh thành, không có thông tin cụ thể về người trong mộ như tên họ, chức vụ và năm sinh, năm mất. Nhưng ở trên miếu thờ gần ngôi mộ có ghi ba chữ “Đỗ Hiệp Trấn” mà dân ở đây vẫn gọi người trong mộ có tên là Đỗ Hiệp Trấn (thật ra hiệp trấn là chức quan cũ, đứng sau tổng trấn). Tất nhiên nếu chỉ có tư liệu như vậy, ắt phải xem đây là ngôi mộ của một ông quan hiệp trấn họ Đỗ nào đó nhưng căn cứ để ông Truật lòng mừng khấp khởi, linh cảm đã tìm được mộ tổ ở đây chính là phần cuối tấm minh văn có ghi tên hai người lập tên là Đỗ Bản và Võ Nhàn. Họ là ai?
Đỗ Bản và Võ Nhàn là hai tướng Đông Sơn. Đỗ Bản là con trai Đỗ Thành Nhân, còn Võ Nhàn là con trai Võ Tánh. Cả hai chơi thân với nhau từ nhỏ và sau khi Đỗ Thành Nhân bị giết cả hai đã rút quân Đông Sơn về Ba Giồng. Khả năng rất cao là họ đã viết nên bài kệ và sau này con cháu cùng tìm lại mộ của Đỗ Thành Nhân và dựng lại như hiện nay.
Tại hội thảo về Đỗ Thành Nhân do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức năm 2003, các đại biểu nhất trí cao về công lao di dân lập ấp tại xứ sở miền Đông (vùng Thủ Dầu Một và Trấn Biên, Biên Hòa) của Đỗ Thành Nhân nhưng chưa kết luận được di mộ nói ở trên là của Hiệp trấn Đỗ Thành Nhân. Đa số ý kiến cho rằng cần phải chờ khai quật ngôi mộ để xác định thêm chứng cứ.
Ai nằm trong ngôi mộ cổ?
Đến tháng 7-2005, việc khai quật ngôi mộ bắt đầu. Ông Nguyễn Thiện Đức, học trò cụ Truật, cùng tham gia khai quật kể lại: “Ngôi mộ ngày xưa đặt ở một khu đồi vắng, mộ được chôn cất theo đúng thuật phong thủy, “đầu gối thiên sơn, chân đạp vạn thủy”, địa trạng ngôi mộ nằm đúng cung Tốn, để đầu về phía Bắc là Phước đức, chân về phía Nam là Thiên y, cho thấy chủ nhân ngôi mộ được thầy phong thủy nào đó chọn đất xây mộ ắt không phải người thường mà là quan lại hoặc nhà quyền quý”.
Ông Đức (đứng) và GS-BS Phan Bảo Khánh (ngồi) đang nghiên cứu mảnh xương quai xanh. Mảnh xương quai xanh ngả màu xanh đồng (ảnh nhỏ bên dưới). (Ảnh do ông Nguyễn Thiện Đức cung cấp)
Mộ làm bằng hợp chất vôi mật ong, cát, than trộn với nhựa cây ô dước cứng như xi măng, phía dưới có gạch bản xây làm vách ngăn huyệt mộ, sau khi vất vả phá lớp này, hiện ra bên trong mộ có hai hố cát.
Thật không ngờ trong ngôi mộ lại có hai quan tài của hai người, một nam, một nữ. Tất cả đều đã mục nát rất nhiều, hài cốt nữ nằm bên trái, còn 12 chiếc răng, xem độ mòn của răng ước tính có độ tuổi tầm 60. Nam giới cao tầm 1,6 m, còn năm cái răng, độ tuổi tầm 50.
Sau khi nghiên cứu cấu trúc ngôi mộ, có thể thấy mộ dùng hợp chất chỉ có ở thời Lê đến đầu nhà Nguyễn, từ thời Minh Mạng tới Thiệu Trị mới có kết hợp thêm gạch bản. Như vậy mộ xây dựng vào thời Thiệu Trị rất phổ biến lúc đó.
Hai bộ xương cho thấy về tuổi tác chênh lệch nhau. Có thể do người đàn ông chết trước, sau đó khoảng 10-15 năm đến lượt người phụ nữ qua đời nên chôn cùng với chồng.
Cấu trúc ngôi mộ cho thấy mộ được xây một lúc, không phải người trước, người sau. Đặc biệt đồ táng chôn theo không có di vật nào đáng kể, cho thấy chủ nhân đã tái táng một lần. Như vậy sau khi người vợ qua đời một thời gian, con cháu mới quy tập hai hài cốt về chôn cùng nhau. Điều này cũng hợp với giả thiết về trường hợp Đỗ Thành Nhân.
Đặc biệt, ngôi mộ nằm rất gần với tư dinh cũ của Đỗ Thành Nhân, chỉ cách khoảng 200m.
Chiếc xương đòn gánh đặc biệt
Khi khảo sát hài cốt nam giới, mọi người nhận thấy hai chiếc xương đòn gánh (hay còn gọi là xương quai xanh ở bả vai), xương bên trái còn nguyên nhưng xương bên phải bị gãy do một vật nhọn tác động (là kiếm hoặc mũi tên) làm gãy xương này. Đặc biệt đoạn xương bị gãy này có màu xanh đồng, khác biệt hoàn toàn với những mảnh xương khác đều không có màu xanh như vậy. Đoàn đã bảo quản mảnh xương này, gửi ngay về khoa Giải phẫu ĐH Y Dược TP.HCM để phân tích và đích thân GS-BS Phan Bảo Khánh là trưởng khoa đã đi xuống thực địa để nghiên cứu và ông kết luận: "… Chủ nhân có thể đã bị tử thương. Ở vết thương bị vỡ không bình thường và chất độc ở vết thương đã làm cho đoạn xương bị phản ứng đổi từ màu trắng của xương thành xanh đồng…".
Còn chất độc ngấm vào xương làm chủ nhân bị chết là chất độc gì thì ngành y sẽ nghiên cứu sau…
Kết luận này rất gần giống với nội dung mà gia phả của họ Đỗ ghi lại về cái chết của Đỗ Thành Nhân khi bị trúng tên tẩm thuốc độc của tay chân Nguyễn Ánh.
Bình luận (0)