TAND TP Cần Thơ vừa xử sơ thẩm lần hai vụ Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ ĐĐ (gọi tắt công ty) kiện yêu cầu hủy quyết định xử phạt của chánh Thanh tra Sở TT&TT TP Cần Thơ (gọi tắt là Thanh tra Sở). Trước đó công ty đã bị thanh tra xử phạt tổng cộng 35 triệu đồng về hai hành vi sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện có công suất nhỏ hơn 150 W mà không có giấy phép và hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Từng bị hủy án
Theo đơn khởi kiện, công ty trình bày: Ngày 22-3-2015, chánh Thanh tra Sở đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 17 với nội dung như trên. Công ty yêu cầu tòa hủy toàn bộ quyết định vì chưa có chứng cứ để khẳng định hai người bị lập biên bản vi phạm là người của công ty.
Theo công ty, phía Thanh tra Sở phải chứng minh được hai nhân viên bị lập biên bản vi phạm hành chính là người của công ty. Ngoài ra, công ty đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận kinh doanh với trụ sở đặt tại quận Bình Tân. Ngoài việc yêu cầu hủy Quyết định số 17, công ty cũng yêu cầu hủy Quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm số 20 ngày 13-3-2015.
Trong bản tự khai và trình bày tại tòa, phía Thanh tra Sở cho rằng công ty đã có sai phạm và việc xử phạt là đúng pháp luật, căn cứ pháp lý. Từ đó người bị kiện đề nghị tòa bác yêu cầu khởi kiện của công ty.
Xử sơ thẩm lần thứ nhất vào ngày 30-9-2015, TAND TP Cần Thơ đã bác yêu cầu khởi kiện của công ty nên nơi đây kháng cáo. Ngày 15-6-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Việc sử dụng bộ đàm hiện nay khá phổ biến. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: HTD
Theo tòa phúc thẩm, hai người bị lập biên bản vi phạm tại quán hải sản có phải là người của công ty hay đơn vị nào khác chưa được làm rõ. Phía Công ty ĐĐ và công ty đối tác có hợp đồng dịch vụ bảo vệ nhưng đã thanh lý trước thời hạn vào ngày 1-7-2014. Ngày Thanh tra Sở lập biên bản vi phạm là 29-1-2015. Ngoài ra cấp sơ thẩm cũng chưa xem xét tính hợp pháp của Quyết định cưỡng chế số 20 là thiếu sót, có vi phạm, cần phải hủy án.
Bác yêu cầu khởi kiện
Tại phiên xử sơ thẩm lần hai, TAND TP Cần Thơ cho rằng vấn đề mấu chốt cần xác định là người sử dụng bộ đàm có phải là người của công ty hay không. Theo tòa, chứng cứ trong hồ sơ thể hiện đây là người của Công ty ĐĐ. Cụ thể tại biên bản làm việc ngày 24-3-2015 với Thanh tra Sở, phía Công ty ĐĐ thừa nhận việc dùng bộ đàm sai là hành vi có lỗi của nhân viên mình. Công ty còn cho rằng đây là lần đầu tiên nhân viên bảo vệ của công ty vi phạm do không hiểu biết pháp luật.
Cạnh đó, tại trang số 2 của văn bản kiến nghị ngày 22-3-2015, công ty cũng thể hiện: “Đây là vi phạm lần đầu, không phải nhiều lần, không gây nguy hiểm đến an ninh kinh tế, đề nghị chỉ nhắc nhở hoặc phạt ở mức phạt 6 triệu đồng”.
Tòa cho rằng những thừa nhận này là tình tiết không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 309 Luật Tố tụng hành chính. Do vậy HĐXX có đủ cơ sở để xác định người vi phạm tại biên bản vi phạm lập ngày 29-1-2015 do chánh Thanh tra Sở lập là người của Công ty ĐĐ.
Cũng theo tòa, trình tự thủ tục ban hành các quyết định số 17 và 20 của phía Thanh tra Sở là tuân thủ đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, việc vận dụng tình tiết tăng nặng trong xử phạt cũng đúng…
Về việc vì sao Công ty ĐĐ đã chấm dứt hợp đồng bảo vệ với đối tác nhưng nhân viên vẫn làm bảo vệ tại nơi lập biên bản vi phạm, HĐXX cho rằng không mâu thuẫn. Bởi hợp đồng dịch vụ giữa hai bên xác lập địa điểm bảo vệ khác chứ không phải địa điểm bị phạt.
Cụ thể, hợp đồng dịch vụ bảo vệ năm 2014 xác định địa điểm bảo vệ tại nhà hàng BĐ 2 ở đường 30-4, trong khi địa điểm bị phạt tại nhà hàng BĐ ở đường Lê Lợi. Do vậy đây không phải là căn cứ nói rằng xử phạt vi phạm hành chính của chánh Thanh tra Sở là sai.
Cuối cùng HĐXX đánh giá: Chánh Thanh tra Sở ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 17 và Quyết định cưỡng chế số 20 là có căn cứ pháp luật và hợp pháp. Yêu cầu khởi kiện của Công ty ĐĐ không được chấp nhận.
Xin phép để tránh tùy tiện
Việc sử dụng bộ đàm để liên lạc hiện nay khá phổ biến nhưng để tránh việc sử dụng tùy tiện nguồn phát vô tuyến điện, luật đã quy định khá rõ nguyên tắc sử dụng. Tôi cho rằng đây là điều cần thiết và nên có sự quản lý chặt của cơ quan có thẩm quyền.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 16 Luật Tần số vô tuyến điện thì mọi tổ chức, cá nhân sử dụng băng tần số, tần số vô tuyến điện và thiết bị phát sóng vô tuyến điện phải có giấy phép, trừ trường hợp nằm trong danh mục thiết bị vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện. Do đó khi sử dụng bộ đàm phải đăng ký tần số với cơ quan quản lý, mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt.
Điều 77 Nghị định 174/2016 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện) quy định năm mức xử phạt với số tiền từ 2 triệu đến 50 triệu đồng. Chẳng hạn, phạt tiền 2-5 triệu đồng/thiết bị đối với hành vi sử dụng tần số, thiết bị văn phòng vô tuyến điện có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 150 W mà không có giấy phép; phạt tiền 30-50 triệu đồng/thiết bị đối với hành vi sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện có công suất lớn hơn 5 kW và nhỏ hơn hoặc bằng 10 kW mà không có giấy phép…
Những trường hợp không cần có giấy phép tại Điều 27 luật này gồm: Thiết bị vô tuyến điện hoạt động ở cự ly ngắn, có công suất hạn chế, ít khả năng gây nhiễu có hại; thiết bị vô tuyến điện đặt trên tàu biển, tàu bay nước ngoài đi qua lãnh thổ Việt Nam được miễn giấy phép theo thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Luật sư BÙI QUỐC TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM
Bình luận (0)