Chỉ đến khi thấy mẹ trong một buổi gặp diễn ra khoảng chừng 20 phút mà phải đi thay quần mấy lần thì Nguyễn Thị Hà, SN 1975 ở phường Năng Tĩnh, TP Nam Định (Nam Định) mới chợt nhận ra rằng mẹ đã không còn trẻ nữa. Giờ đây, khi đang thi hành bản án chung thân vì tội buôn bán ma tuý, Hà mới ân hận khi đã không giúp gì được cho người mẹ tuổi cao sức yếu mà còn đẩy trách nhiệm nuôi con chăm cháu lên đôi vai gầy yếu của người mẹ già.
Hai lần đi tù
Người đàn bà ấy có đôi mắt buồn xa xăm. Nhất là khi nhắc đến ba đứa con ở nhà với người mẹ già yếu, chị ta chỉ biết ôm mặt khóc. Hà bảo chị ta phạm tội do hoàn cảnh xô đẩy và vì lý do tế nhị không thể nói ra. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi nếu đặt vào hoàn cảnh của người mẹ già dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn và thiếu cả một bờ vai để nương tựa và dựa dẫm nhưng vẫn kiên định sống để nuôi con cái thì Hà chỉ biết sụt sịt.
"Năm tôi 7 tuổi thì bố qua đời vì bạo bệnh, một mình mẹ ở vậy nuôi 4 anh em tôi. Thu nhập chỉ là những đồng lương công nhân ít ỏi, vậy mà bà vẫn xoay xở, ăn tiêu tùng tiệm để mấy anh em tôi không đứa nào thất học", Hà kể.
Vì sức học có hạn nên mặc dù được người mẹ dốc lòng lo cho ăn học nhưng Hà chỉ học hết cấp một là nghỉ. Theo lời kể của Hà thì bốn anh em của chị ta không ai học xong phổ thông, Hà là con gái út, dù được ba anh chăm chút nhưng cuối cùng lại là người bỏ học sớm nhất.
"Tôi từng ước được đi làm công nhân như mẹ nhưng trình độ văn hóa chỉ thoát mù chữ nên không ai nhận, đành phải ra chợ buôn bán nhì nhằng kiếm sống. Được một thời gian thì tôi lấy chồng, cũng là người Nam Định. Hai vợ chồng nghề nghiệp không ổn định lại đèo bòng thêm 2 đứa con nhỏ nên túng quá làm liều", Hà kể.
Phạm nhân Nguyễn Thị Hà.
Năm 1999, Hà bị Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định tuyên phạt 5 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Thời điểm bị bắt, Hà đã có chồng và 2 con nhỏ. Sau khi đi tù về, năm 2005, Hà tiếp tục bị bắt lần 2.
Theo cáo trạng, mặc dù mới đi tù về song Nguyễn Thị Hà vẫn không từ bỏ ý định mua bán ma túy để kiếm tiền. Hà đã kết nối với Trần Huy Tiến, SN 1977 ở Chương Mỹ, Hà Tây (cũ), đưa ma túy từ Hòa Bình về Nam Định tiêu thụ.
Theo thỏa thuận, Tiến sẽ là người đi mua ma túy sau đó mang về thành phố Nam Định bán lại cho Hà. Trước khi mang hàng xuống, Tiến phải gọi điện thông báo cho Hà biết để chuẩn bị tiền. Địa điểm giao hàng sẽ là khu vực đường tàu gần bến xe Nam Định.
Giữa tháng 5-2005, Tiến cầm cố 2 xe máy lấy 9 triệu đồng lên Mai Châu, Hòa Bình, mua heroin. Sau khi đặt cọc số tiền trên cho Vàng A Vấu ở bản Hang Kia 1, xã Hang Kia, huyện Mai Châu (Hòa Bình), Tiến được Vấu giao cho 1 bánh heroin.
Trước khi Tiến đón xe khách về Nam Định giao cho Hà, Vấu sai Vàng A Pủa và Vàng A Dống đi cùng đề phòng Tiến bán hàng xong không trả nốt tiền hàng. Số ma túy này được Hà bán với giá 75 triệu đồng (lãi 5 triệu đồng so với giá mua vào của Vấu là 70 triệu đồng).
Một tháng sau, Tiến điện thoại cho Hà thông báo có 3 bánh heroin, bảo Hà chuẩn bị tiền lấy hàng. Hà đồng ý mua và hẹn Tiến khi nào mang xuống thành phố Nam Định thì gọi điện cho Hà biết.
Ngày 12-6-2005, Tiến nhận 3 bánh heroin do đồng bọn mang từ Hòa Bình xuống để đem về Nam Định cho Hà nhưng mới đi đến Trạm thu phí Xuân Mai thì bị Công an bắt giữ. Hà không biết điều đó nên vẫn ung dung ôm 120 triệu đồng đi taxi đến nơi hẹn. Kết quả là Hà bị Công an tỉnh Hà Tây (cũ) bắt giữ.
Khám trong người Hà, ngoài số tiền 120 triệu đồng ra còn có gần 4 gam ma túy mà Hà khai mang đi để chữa căn bệnh đau bụng của mình. Do việc mua bán 3 bánh heroin chưa thực hiện được nên Hà thoát án tử hình song với hành vi buôn bán 1 bánh heroin trước đó, Hà bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) tuyên phạt mức án chung thân.
"Cuối năm 2005, tôi về Trại giam số 5 cải tạo. Đầu năm 2017 thì được chuyển về Trại giam Ninh Khánh cải tạo. Trước đây xa xôi, gia đình không có điều kiện thăm gặp nhưng từ ngày về Trại giam Ninh Khánh, cách nhà chỉ vài chục cây số nên tháng nào tôi cũng được gặp người thân", Hà kể.
Những ân hận muộn màng
Hà kể rằng cuộc đời chị ta có 2 cú sốc mà đến giờ nghĩ lại vẫn không hiểu tại sao vượt qua được. "Lần thứ nhất tôi sốc là khi hay tin chồng lấy vợ khác. Lần đó tôi gầy đi 12 ký, tư tưởng lúc nào cũng cảm thấy chán nản, không thiết sống", Hà kể.
Nhưng Hà đi tù được 4 năm thì chồng cũ cũng bị bắt vì tội buôn bán trái phép chất ma túy. Ba đứa con chung giữa Hà và chồng cũ không còn nơi bấu víu, phải về nương tựa bà ngoại. Hà bảo thời điểm đó chị ta tin rằng mẹ sẽ lo được cho con mình mà quên mất rằng năm tháng trôi đi, tuổi tác sẽ là một trở ngại lớn đối với bà. Chỉ đến khi mẹ vào thăm, nhìn cơ thể tiều tụy của bà, Hà mới chợt nhận ra rằng mẹ mình đã già rồi.
"Đó là cú sốc thứ hai và cũng là lớn nhất cuộc đời tôi. Lần đó mẹ vào thăm, tôi còn đang ở Trại giam số 5. Đó là lần đầu tiên mẹ con tôi gặp nhau sau 10 năm xa cách. Do nơi cải tạo cách xa nhà, đường đi không thuận tiện nên trước đó mấy năm, mẹ chỉ gửi quà và tiền lưu ký cho tôi qua bưu điện. Đến khi mẹ vào thăm, tôi mừng quýnh quá.
Trong trí nhớ của tôi, mẹ là người phụ nữ mạnh khỏe, hoạt bát chứ không phải là người đàn bà chạy tới chạy lui thay quần áo. Mà cuộc nói chuyện giữa tôi và mẹ có nhiều nhặn gì đâu, chỉ có vài chục phút. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng mẹ đã quá già và mang trong người nhiều bệnh tật", Hà kể, nước mắt chứa chan. Chị ta bảo đã mấy năm trôi qua rồi nhưng câu nói khẽ khàng của mẹ: "xin lỗi con, cho mẹ đi thay quần", mấy lần làm đứt quãng cuộc nói chuyện cứ ám ảnh trong đầu Hà mãi.
Hà kể rằng đã từng khủng hoảng suy nghĩ vì cảnh mẹ già bệnh tật nên đã có suy nghĩ tiêu cực, lúc nào cũng chỉ muốn chết. Rồi những ngày tháng không ăn không ngủ được ấy khiến Hà giống như kẻ mất hồn. Rất may là những biểu hiện ấy của chị ta được các quản giáo nhìn thấy nên bằng những cuộc trò chuyện, động viên và nhắc nhở đã giúp Hà dần bình tâm lại. Hà bảo khi đã xác định được việc mình phải làm, kể từ hôm đó, đêm nào chị ta cũng cầu nguyện cho mẹ được khỏe mạnh và bản thân thì vững tâm hơn trên bước đường cải tạo.
"Hai năm nay cuộc sống của mẹ tôi cũng bớt khó khăn hơn rồi vì hai con gái lớn của tôi đã đi làm. Cũng chỉ là đan lát, máy may thuê cho người ta thôi nhưng có thêm tiền của chúng nó, cuộc sống của mấy bà cháu cũng đỡ chật vật", Hà kể. Chị ta cho biết từ ngày về Trại giam Ninh Khánh cải tạo, tháng nào con gái lớn cũng vào thăm mẹ.
Nói về cậu con trai út, Hà không giấu nổi sự tự hào. Chị ta cho hay con đang học ở trường chuyên của tỉnh và người có công giáo dục cậu bé nên người chính là người chị chồng. Sau khi chồng Hà bị bắt, ba đứa con Hà về sống với bà ngoại được một thời gian thì người chị chồng xuống đón con trai của Hà về nuôi dưỡng. Cậu bé may mắn được người bác chăm sóc tận tình nên học hành rất tiến bộ. Dịp nghỉ hè nào cậu bé cũng được các chị cho vào thăm mẹ.
Kể về cuộc sống trong trại giam, Hà cho biết đã quá quen rồi nên có chuyển đội này hay đội khác thì cũng không cảm thấy lạ lẫm. "Ngày ở Trại giam số 5 tôi lao động ở đội làm hàng mã rồi đội thêu ren. Về Trại giam Ninh Khánh tôi cải tạo ở đội may mặc. Công việc dù khác song cũng đều là cải tạo lao động, đều làm việc ngày 8 tiếng và nghỉ 2 ngày cuối tuần, nói là khác mà chả có gì khác cả", Hà tâm sự.
Rồi như không giấu được niềm vui, Hà khoe đã được xuống án có thời hạn 2 năm nay và niềm vui ấy Hà đã gọi điện về nhà báo tin cho mẹ biết. Hà bảo khi nghe được tin đó, mẹ Hà đã rất vui. Bà bảo tin vui ấy khiến bà khỏe ra và muốn sống lâu hơn nữa để chờ ngày đón con gái trở về.
"Tôi biết lời nói của mẹ và việc các con gửi hoa vào tặng tôi chính là để động viên khích lệ tôi cố gắng. Đó cũng là động lực để mỗi khi mệt mỏi, cứ nghĩ đến điều đó thôi là tôi lại cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Tôi sẽ cố gắng cải tạo tốt để năm nào cũng được giảm án, sớm trở về với gia đình. Điều tôi mong mỏi nhất chính là mẹ đừng có thêm bệnh tật và hai con gái tôi có thu nhập để đỡ đần bà trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày ", Hà bộc bạch.
Thoáng một phút trầm ngâm, nữ phạm nhân này cất giọng rụt rè: "Con gái tôi cũng đến tuổi lấy chồng rồi, tôi phải cố gắng hơn nữa để sớm trở về lo chuyện chồng con cho nó. Mong sao là kịp".
Bình luận (0)