Người đàn ông may mắn đó là ông Đỗ Văn Yên (SN 1944, phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội). Ông Yên sở hữu dáng người nhỏ bé, gầy gò. Dù đã ở độ tuổi nghỉ ngơi, nhưng muốn gặp ông Yên không hề dễ.
'Vua xổ số' 5 năm 3 lần trúng độc đắc
Hàng xóm của ông rỉ tai, tìm người đàn ông này chỉ có cách đến phường Kim Liên, đi lòng vòng quanh đó. Ông Yên luôn khoác lên mình trang phục của bảo vệ dân phố, hòa vào dòng người ngược xuôi để hỗ trợ công an phân luồng giao thông; tuyên truyền hướng dẫn nhân dân không vi phạm luật, giữ gìn an ninh trật tự…
Ông Đỗ Văn Yên (SN 1944, phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội)
Ở phường, ông được nhiều người gọi vui bằng cái tên “vua xổ số” và “hiệp sĩ” bắt cướp. Nhiều năm liền, ông coi việc chơi xổ số như thú vui giải trí. Đặc biệt, chỉ trong 5 năm, từ 2000 đến 2005, ông Yên đã may mắn 3 lần trúng giải độc đắc.
Lần 1, ông trúng giải năm 2000, lần 2 năm 2003, lần 3 năm 2005.
Số tiền mỗi lần trúng giải, ông bảo, đủ để ông mua một căn nhà. Tuy nhiên, đây chỉ là vận may bất ngờ. Ông không khuyến khích mọi người chơi vé số bằng máu ăn thua và cũng không muốn người dân quá ham mê việc này.
Đối với ông Yên, niềm đam mê lớn nhất mà ông đã và đang thực hiện suốt 25 năm qua chính là công việc bảo vệ dân phố, hỗ trợ lực lượng công an làm công tác giữ gìn trật tự trị an.
Món quà của cụ già khiến “hiệp sĩ” cảm động
Trò chuyện với ông, những câu chuyện về việc săn bắt cướp được ông kể như không có hồi kết.
Ông Yên cho biết ông về hưu và tham gia bắt cướp từ năm 1994. Tính đến nay, chiến công mà ông đạt được là phát hiện và tham gia bắt giữ hơn 200 vụ cướp giật trên địa bàn, thu hồi được rất nhiều xe máy, dây chuyền vàng, túi xách và xe đạp từ các tay cướp giật để gửi lại bà con nhân dân.
Tất cả những chiến công lập được, ông đều cẩn thận ghi vào cuốn nhật ký. |
Nhiều người bị trộm cắp, cướp giật đã cám ơn ông bằng tiền và những món quà giá trị nhưng ông Yên chưa lần nào chịu nhận. |
Theo lời kể của ông Yên, vào khoảng những năm 1994- 1995, với vai trò là đội phó đội săn bắt cướp phường Kim Liên, ông thường xuyên đi tuần tra khu vực.
Một ngày, đang đi tuần trên phố, ông Yên nghe tiếng hô hoán của một cụ ông gần 80 tuổi.
Cụ ông này dựng xe đạp ở vỉa hè rồi vào bưu điện mua báo, lúc quay ra, cụ phát hiện chiếc xe đạp đã bị tên trộm lấy đi.
“Nghe tiếng kêu, tôi vội vã lao theo tên trộm đồng thời hô hoán nhân dân tham gia. Sau đó, tôi đã tóm gọn được tên trộm, lấy lại được chiếc xe đạp cho cụ già” - ông Yên nói.
Vẫn lời ông Yên, những năm đó, xe đạp là tài sản tương đối quý giá. Những gia đình khó khăn phải chắt chiu rất lâu mới có tiền mua xe.
“Ông cụ bị mất xe cũng là một người nghèo. Khi nhận lại được xe, ông ấy vui đến mức chảy nước mắt. Miệng mếu máo.
Ông ấy nói, vợ chồng ông ấy rất nghèo, tằn tiện mãi mới mua được chiếc xe cho con đi làm. Hôm nay, tranh thủ ngày nghỉ, các con ở nhà, ông ấy mới mượn xe của con để ra phố…” - ông Yên kể tiếp.
Sau niềm vui tìm lại được xe, người đàn ông này bỗng tỏ ra băn khoăn.
“Ông ấy loay hoay, móc hết túi quần, túi áo, lấy ra được mấy đồng bạc lẻ, dúi vào tay tôi để cảm ơn. Tuy nhiên, tôi không nhận. Không ngờ hôm sau, tôi đang trực ở phường thì ông cụ đó xuất hiện. Mắt ông ấy rưng rưng, tay cầm 1 cân cam và 1 cân đường, nằng nặc đòi cảm ơn tôi” - ông Yên nhớ lại.
Ông Yên tiếp tục từ chối món quà nhưng cụ không đồng ý. Cuối cùng, để ông cụ được vui lòng, ông Yên nhận túi cam.
“Tôi vẫn nhớ, túi cam có 4 quả. Khi nhận, tôi nói với cụ, tôi chỉ xin túi cam để bổ ra cho anh em. Còn đường, tôi biếu lại cụ. Nếu cụ chịu mang đường về thì tôi nhận cam. Còn không, tôi không nhận bất cứ thứ nào” - ông Yên chia sẻ.
Từ đó đến nay, hơn 20 năm đã trôi qua nhưng món quà và cách ứng xử của ông cụ vẫn khiến ông Yên nhớ mãi.
“Tôi nhớ là vì cách nói chuyện, cư xử của ông cụ khiến tôi thấy việc làm của tôi có ý nghĩa. Nó đem lại niềm vui cho những người dân nghèo. Đó cũng là động lực để tôi phấn đấu suốt và đam mê với công việc mà tôi đã và đang làm” - ông Yên trải lòng.
Bình luận (0)