Người già kể rằng dòng nước luôn mang vị đắng dịu và trở thành thứ thuốc chữa bệnh, mang đến sinh lực và tuổi thọ cho con người ở vùng đất này. Trong tiếng Xê Đăng, "nước đắng" gọi là Tê Xăng, đó cũng là vùng đất của loại sâm quý - sâm Ngọc Linh.
Ông A Đúp ngồi bên cạnh dòng suối "nước đắng" với những quả sơn tra rụng đầy trong lòng suối.
Suối "nước đắng"
Mùa mưa, Tây Nguyên như bừng sức sống bởi những rừng cây vươn lên xanh tốt. Thế nhưng, con đường từ Quốc lộ 14 nối lên tỉnh lộ 672 để vào xã Tê Xăng-"nước đắng", huyện Tu Mơ Rông lại "đày ải" người đi đường, bởi những cơn mưa và những con dốc, đèo mờ mịt mây giăng. Đặc biệt, qua đèo Măng Rơi mùa này nếu người yếu tay lái và không quen đường chắc sẽ quay trở về. Tờ mờ sáng, từ lưng chừng đèo mây mù đã bao phủ, không phân biệt đâu là đường, đâu là mây, đâu là vực thẳm. Ánh đèn xe máy cũng chỉ leo lét nhìn thấy khi cách nhau khoảng 20m.
Đoạn đường đèo dù chỉ 6km nhưng phải mất gần 1 giờ đồng hồ, anh bạn đồng nghiệp và tôi mới mò mẫm vượt qua được. Quá trưa, băng qua nhiều quãng đường đèo, dốc chúng tôi mới đến được xã Tê Xăng. Anh bạn đồng nghiệp đưa tôi đến nhà ông A Pao ngay trung tâm xã, là người biết rõ về suối nước đắng này. Thế nhưng khi đến mới hay tin ông A Pao vừa mất khiến chúng tôi hụt hẫng. Hỏi người trẻ quanh xã thì không ai hay biết suối "nước đắng" - suối Tê Xăng nằm ở khu vực nào của xã. Sau một hồi hỏi thăm, nhờ cả đến lãnh đạo xã, chúng tôi gặp A Muộn, thôn trưởng thôn Tu Thó, xã Tê Xăng. "Ô! Nhà báo tìm đúng người rồi đó, ở thôn mình có suối Tê Xăng chảy từ trong núi ra. Tê Xăng nghĩa là nước đắng nhưng giờ không còn đắng nữa đâu, chuyện ngày xưa thôi! Nhà báo muốn biết phải hỏi người già rồi!", A Muộn cho hay. Chúng tôi lại tiếp tục băng qua chiếc cầu treo và đánh vật với quãng đường với những đoạn dốc dựng đứng để vào thôn Tu Thó. Thôn Tu Thó với khoảng 130 nóc nhà nằm cheo leo giữa lưng chừng núi ẩn hiện trong mờ sương. Chúng tôi vào nhà ông A Đúp năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, tráng kiện. Bên bếp lửa hồng, ông A Đúp, giọng đều đều kể chuyện: "Tê Xăng nghĩa là nước đắng và suối Tê Xăng nằm ngay trong làng. Suối chảy ra từ mạch nước ngầm trong núi, dân làng không chỉ lấy nước sinh hoạt từ dòng suối này mà còn là nguồn nước cho ruộng lúa nữa. Tên gọi Tê Xăng từ đời cha, ông mình đã gọi vậy rồi. Chưa bao giờ dòng suối này cạn nước kể cả mùa khô khắc nghiệt nhất". Chúng tôi thắc mắc về việc vị nước có đắng như theo lời kể mà chúng tôi đã nghe, ông A Đúp cho hay: "Ngày trước mình cũng nghe người già kể lại là nước có vị đắng ít thôi nhưng uống vào lát sau ngọt dịu nơi cổ. Nhưng giờ khác rồi!".
Thôn Tu Thó nơi có dòng suối Tê Xăng nằm dưới dãy Ngọc Linh. |
Huyền thoại nơi thung sâu |
Minh chứng cho câu chuyện của mình, ông Đúp nhanh nhẹn đứng dậy bảo chúng tôi ra mục sở thị con suối này. Chưa đầy một cây số, chúng tôi đã đứng trên đỉnh đồi cao bao quát được cả ngôi làng, A Đúp chỉ về phía bên dưới: "Suối Tê Xăng dưới thung kia, mình đi bộ tí là tới thôi". Men theo đường mòn, băng qua những ruộng lúa, trước mắt chúng tôi là dòng suối nhỏ nước chảy róc rách đều đặn và trong veo nằm giữa ruộng lúa và sườn núi. Chỉ về ngọn núi cao nằm trong dãy núi Ngọc Linh, A Đúp nói: "Nguồn của suối Tê Xăng nằm ở trên ngọn núi cao đấy, ở đây bà con gọi là núi Ngo Sang, nước cứ chảy ra từ đá núi rồi đổ về đây. Dòng suối chảy qua làng rồi chảy vào dòng suối Đăk Pơ Si ngoài xã".
Như lời của A Đúp thì lòng suối ngày xưa rộng nhưng giờ chỉ còn khoảng 30-40cm và nước chỉ sâu độ 20cm, trong vắt. Vốc lên tay dòng nước mát rượi nhưng không còn vị đắng, chỉ có vị ngọt ngọt đầu lưỡi. Cả một đoạn suối chảy qua làng thì lòng suối đều lấp lánh bên dưới thứ kim loại óng ánh, cả A Đúp và A Muộn cũng không biết là kim loại gì, chỉ biết từ bấy lâu nay lòng suối đã như vậy. Theo lời kể của ông A Đúp, ngày xưa dòng suối này chảy len lỏi giữa những rừng cây cổ thụ, có cây đến 7-8 người ôm mới hết. Trong cánh rừng đầy những loại cây dược liệu như: sơn tra, ngủ vị tử, đẳng sâm..., bà con chỉ cần bước ra khỏi làng là đã có thuốc. Đặc biệt, ở vùng núi Ngo Sang đầy rẫy loại "cây thuốc giấu" của đồng bào Xê Đăng. Đó là loại cây từ xưa bà con nơi đây đã biết dùng củ, lá để chữa bệnh và phục hồi sức khỏe mà giờ đây được biết đến với tên gọi: sâm Ngọc Linh. Nó như một thứ thần dược trong chữa bệnh và hỗ trợ sức khỏe cho người dân vùng rừng núi thâm sâu lạnh và mù sương này. Ngày trước "cây thuốc giấu" trên núi Ngo Sang nhiều vô kể, chỉ cần lên núi đã hái được một gùi lá to và mang ít củ về để dùng dần. Thế nhưng, dân làng có quy định nghiêm ngặt, củ sâm nào chưa đủ 10 mắt (10 năm tuổi) thì phải trồng xuống lại, không được khai thác. Chứ sau này, có củ nào bị đào bán củ nấy khiến núi Ngo Sang từ lâu đã không còn "thuốc giấu", giờ chỉ còn những vùng núi sâu họa hoằn mới còn.
Chúng tôi tìm về những người già trong làng, dòng nước đắng cũng chỉ còn trong những câu chuyện kể được truyền lại. Họ kể rằng ngày trước khi ốm đau, ra suối múc nước uống hoặc tắm là có thể chữa được bệnh. Trẻ con nhờ uống dòng suối này mà khỏe mạnh, ít khi đau ốm dù phong phanh giữa cái lạnh tê người ở vùng rừng núi này. Còn người già ở thôn Tu Thó có tuổi thọ cao nhất ở trong vùng. "Giờ đây, thôn Tu Thó có 3-4 cụ trên 100 tuổi, mới đây tháng 2-2018, cụ A Non ở thôn được Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi tặng thiếp mừng thọ 100 tuổi đấy. Còn có cụ A Them, Y Đé thì đã trên 100 tuổi rồi! Các cụ vẫn đi bộ lên rẫy được và trí nhớ vẫn còn tốt lắm", anh A Muộn cho biết thêm.
Phục hồi "dòng nước đắng"
Đến giờ này, sâm Ngọc Linh trở thành thứ quý giá, "đắt như vàng", dân làng Tu Thó lâu lắm rồi không còn thấy "cây thuốc giấu" bởi sự khai thác cạn kiệt của con người. Và có lẽ từ đó, dòng suối Tê Xăng đã không còn đắng như trước! Không chỉ sâm Ngọc Linh mà có thời gian những loại cây dược liệu cũng bị khai thác kiểu tận diệt khiến nhiều cánh rừng bị băm nát, chặt phá.
Tín hiệu vui mừng là giờ này là dự án về khôi phục, phát triển vùng dược liệu một cách khoa học, bài bản đã được địa phương chú trọng. Đặc biệt, đối với cây sâm Ngọc Linh - loại sâm có hàm lượng saponin cao nhất thế giới đã và đang được phát triển nhân rộng trên địa bàn H. Tu Mơ Rông. Cùng với việc người dân địa phương tự trồng tại các khu rừng, nhiều năm trước đây việc khoanh nuôi và nhân giống sâm Ngọc Linh đã được giao cho các lâm trường, DN tiến hành.
Theo thống kê bước đầu, tổng diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn H. Tu Mơ Rông có khoảng 330ha do DN và nhân dân tự trồng. Trong đó nhân dân tự trồng phân tán dưới tán rừng trên 15ha. Ngoài ra các loại dược liệu như đẳng sâm, đương quy, sơn tra... cũng được đầu tư trồng rộng rãi trên địa bàn huyện cùng với sự phân bổ rải rác trong tự nhiên với diện tích lớn. Giai đoạn 2018-2020, H. Tu Mơ Rông phấn đấu toàn địa bàn huyện sẽ có 500ha sâm Ngọc Linh, trong đó nhân dân tự trồng 20 ha và 250 ha cây đẳng sâm cùng các loại dược liệu như đương quy, ngũ vị tử, sơn tra, sa nhân tím, sâm dây... Giờ đây, những vườn cây dược liệu, sâm đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng cao này. Cùng với định hướng phát triển của địa phương, thời gian tới có lẽ sẽ hình thành những vùng "nước đắng" mới mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, khỏe mạnh cho bà con buôn làng ở đại ngàn xanh Tu Mơ Rông này!
Bình luận (0)