Mùa mưa, báo hiệu mùa săn ốc núi sắp đến. Hiện nay, cùng với cua núi, ốc núi trở thành món đặc sản mà du khách không thể bỏ qua khi tham quan núi Cấm.
Lội rừng bắt ốc
Chúng tôi đến nhà anh Đinh Văn Phi Vân (còn gọi là anh Kiếm) ở ấp Vồ Bà (xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) để trải nghiệm việc săn ốc núi. Khi trời đã "nhá nhem" tối cũng là thời điểm bắt đầu cho chuyến đi "săn" ốc. Đầu đội đèn, tay mang túi, chân mang ủng bắt đầu lên đường. Từ nhà anh Kiếm, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình xuống một con dốc cách đó không xa. Trên những lớp lá mục hoặc trên những tảng đá rêu xanh còn ướt, chúng tôi thấy những chú ốc màu nâu đen đang nằm hoặc bò.
Vào mùa mưa, cư dân núi Cấm thu nhập 100.000 đồng/ngày từ ốc núi
Ốc núi có hình dạng giống như ốc đồng nhưng mình dẹt, dẹp và nhỏ hơn, kích thước mỗi con bằng ngón chân cái cho đến miệng ly uống trà. Ốc nằm rải rác ở trong các lùm cây to, những nơi ẩm ướt hoặc các vách đá phủ rêu… Ốc thường vùi dưới đất, ẩn trong hốc đá hay trú ẩn dưới những lớp lá khô. Khi mùa mưa đến, ốc núi từ nơi trú ẩn bò ra ngoài để tìm thức ăn và sinh sản, đây là thời điểm thích hợp để săn bắt. "Những ngày trời nắng, ốc ra kiếm ăn rất ít, có khi đi cả đêm bắt không được bao nhiêu. Ngược lại, những ngày trời mưa, chỉ cần trời sập tối là ốc bắt đầu chui khỏi mặt đất, chỉ cần rọi đèn pin là có thể bắt được. Tuy nhiên, phải đi thật nhẹ, nếu động, ốc sẽ thụt mài lại và rơi xuống đất, khó phát hiện"- anh Kiếm chia sẻ.
Đường đi càng lúc càng khó khăn hơn, để tiết kiệm thời gian, chúng tôi chia làm 2 hướng. Do vỏ ốc núi có màu nâu, lẫn vào đám lá mục nên phải chịu khó vạch các kẽ đá, lùm cây mới thấy. Trời tối, đường núi khó đi, thêm vào đó là sương xuống làm đường trơn trượt nên việc di chuyển càng khó khăn hơn. Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, anh Kiếm tâm sự: "Đi rừng vào ban đêm nguy hiểm và vất vả, nếu không thông thạo địa hình thì trượt té như chơi. Đó là chưa kể nguy hiểm nếu gặp phải rắn rết và các loại sâu độc".
Món ngon vùng núi
Sau gần 2 giờ rong ruổi khắp cánh rừng, mỗi bước chân trở nên nặng nề hơn, nên chúng tôi quyết định trở về. Thành quả của buổi "săn ốc" hôm nay không nhiều, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để chúng tôi trải nghiệm thú vị cùng với sự cực khổ của những người làm công việc này.
Chọn từng con ốc to, béo để mời khách, anh Kiếm cho biết, ốc núi được mọi người biết đến khoảng 3-4 năm trở lại đây. Loại ốc này được ưa chuộng vì thịt ngon, dai, ngọt và giòn… Ốc núi có thể làm được nhiều món khác nhau như: Luộc, hấp, xào, rang... nhưng ngon nhất vẫn là ốc luộc vì giữ được vị ngọt của ốc.
Hiện nay, nhu cầu thị trường về loại đặc sản này tăng cao nên giá đắt hơn các loại khác. giá ốc núi dao động trong khoảng 120.000-150.000 đồng/kg. Trung bình mỗi đêm, một người có thể bắt được từ 700gram đến 1kg, thời điểm ốc "rộ" có thể bắt được vài ký. Số tiền kiếm được không cao nhưng có thể trang trải cuộc sống hàng ngày. có những thời điểm giá ốc giảm còn 50.000- 80.000 đồng/kg, nhiều người quyết định bỏ nghề. Ngoài ra, do công việc vất vả, lại đối mặt với nhiều nguy hiểm nên còn rất ít người bám trụ với nghề săn ốc núi.
Bình luận (0)