ĐTVN đã thành công với nhiều HLV nhưng thất bại cũng không ít, cay đắng nhất là với HLV người Pháp Christian Letard. VFF sa thải ông này, rồi thua kiện và phải bồi thường hợp đồng. Giờ đây, ĐTVN đang được dẫn dắt bởi một HLV người Pháp khác, ông Philippe Troussier, với mức lương được cho là khoảng 50.000 - 60.000 USD/tháng (gần 1,2 - 1,5 tỉ đồng/tháng).
Một luồng dư luận cho rằng trong hợp đồng giữa VFF và ông Troussier không có điều khoản sa thải nếu kết quả thi đấu của ĐTVN không tốt. Phía khác nói có thể sa thải HLV này mà không phải bồi thường nếu đội không vào được vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á.
Chính xác như thế nào, chỉ có VFF và nhà cầm quân người Pháp biết. Nhưng có một điều rất rõ là thành tích ĐTVN đang khá tệ. Chẳng lẽ VFF không lường trước được chuyện "số đông người Việt Nam chỉ yêu bóng đá chiến thắng"? - cựu HLV trưởng Park Hang-seo đã nói như vậy ngay khi HLV có thành tích tốt nhất trong lịch sử ĐTVN đang ở trên đỉnh cao. Cố HLV Alfred Riedl khi còn dẫn dắt ĐTVN cũng phát biểu: "Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc"!
Trong bóng đá có nhiều điều khó lường trước. Do vậy, tốt nhất là phải chuyên nghiệp trong việc ký hợp đồng. Trước đây, VFF thuê HLV dẫn dắt ĐTVN theo chu kỳ của các giải đấu khu vực như AFF Cup, SEA Games. Nay, VFF thuê HLV theo chu kỳ World Cup giống các đội tuyển thuộc nhóm hàng đầu thế giới bởi hợp đồng với ông Troussier có thời hạn vào lúc kết thúc World Cup 2026.
VFF hẳn tin rằng với việc vòng chung kết World Cup 2026 mở rộng lên 48 đội, cơ hội để ĐTVN lần đầu tiên đến với ngày hội lớn nhất của bóng đá thế giới không nhỏ. Song, cơ quan điều hành bóng đá nước nhà quên đi thực tế rằng ĐTVN vào cuối thời kỳ ông Park đã có nhiều dấu hiệu đi xuống.
VFF hẳn cũng nhớ lần gần nhất HLV Troussier dẫn dắt một đội tuyển quốc gia ở đẳng cấp cao là Morocco đã gần 20 năm trước, vào năm 2005, rồi bị sa thải chỉ sau 2 tháng làm việc. Từ đó đến nay, ông ở châu Á và đảm nhận những công việc không lớn. Ở độ tuổi gần 70, nhà cầm quân người Pháp không còn nhiều lực bật và độ nhạy.
Trong khi đó, lứa cầu thủ xuất sắc 5 năm qua phần lớn trưởng thành từ cách làm bóng đá của các ông bầu như bầu Hiển, bầu Đức... ĐTVN là bộ mặt của nền bóng đá nhưng trình độ thực sự của một nền bóng đá là số CLB trong hệ thống thi đấu, số sân bóng trên toàn quốc, sự phát triển của bóng đá học đường, số cầu thủ "xuất khẩu", số khán giả đến sân. Đó mới chính là nền móng và khi có nền móng chắc thì tự khắc có đội tuyển quốc gia tốt.
Nhìn sang bóng đá Thái Lan, đội vừa cầm chân Hàn Quốc 1-1 trên sân khách trong buổi tối mà ĐTVN thua chủ nhà Indonesia 0-1, họ có hệ thống thi đấu bài bản với 16 đội Thai League 1, 18 đội League 2, 72 đội League, dưới nữa là các đội bán chuyên nghiệp. Trong khi đó, bóng đá Việt Nam có số đội Giải Hạng nhất còn ít hơn V-League, càng xuống hạng dưới càng ít đội. Chân đế còn nhỏ hơn cả đỉnh tháp thì làm sao đòi hỏi ngôi nhà bóng đá Việt Nam phát triển vững bền?
Bình luận (0)