Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) - thông tin Ban Soạn thảo Nghị định 168 sau quá trình nghiên cứu, kế thừa những kết quả đạt được của việc thực hiện Nghị định 100/2020 nhận thấy rằng cần thiết phải tăng mức xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe.
Nghị định 168 sẽ xử lý nghiêm khắc những hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, thể hiện ý thức coi thường pháp luật khi tham gia giao thông với việc nâng mức phạt tiền rất cao như người điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông mức phạt tiền được nâng từ 4 - 6 triệu đồng lên 18 - 20 triệu đồng.
Hành vi vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ có mức phạt cao gấp 3 - 30 lần so với hiện hành. Hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông mức phạt tăng rất mạnh đến 36 - 50 lần. Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, mức xử phạt cũng tăng so với hiện hành.
Ngoài Nghị định 168, kể từ ngày 1-1-2025, Thông tư 73/2024 của Bộ Công an cũng có hiệu lực. Theo đó, công an xã được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã, đường thôn thuộc địa bàn quản lý. Quá trình giải quyết, nếu vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đồng tình với việc tăng mức phạt vi phạm giao thông và cho rằng công tác tuyên truyền tới người dân, giám sát việc thực thi công vụ của lực lượng chức năng cần tiến hành song song. Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, nêu quan điểm thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy khi nào chế tài hành chính được quy định nghiêm khắc, thực hiện nghiêm minh thì những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đó sẽ giảm đi.
TS Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng khi có hành lang pháp lý đủ tính răn đe, quá trình thực thi cần bảo đảm minh bạch, thấu tình đạt lý, tăng cường các yếu tố khoa học - công nghệ để người vi phạm nhận ra lỗi của mình và tâm phục khẩu phục.
Được biết, cũng từ 1-1-2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, Luật Cảnh vệ sửa đổi 2024, Luật Đường bộ 2024, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024, Luật Thủ đô 2024, Luật Tổ chức TAND... có hiệu lực.
Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc rà soát những tuyến đường đáng chú ý để tập trung xử lý nghiêm vi phạm. Lực lượng chức năng cũng sẽ ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của cán bộ chiến sĩ để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, từ đó hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông, xây dựng nền giao thông văn minh, an toàn.
Bình luận (0)