Theo đài BBC, nhiều câu hỏi đã được đặt ra khi hệ thống Iron Dome của Israel - vốn rất hiệu quả với rốc-két của Hezbollah - để lộ nhược điểm trước các máy bay không người lái (UAV) trong vụ tấn công hôm 13-10.
Đó là vụ việc các UAV của Hezbollah tấn công vào một căn cứ quân sự gần thị trấn Binyamina ở miền Bắc Israel, khiến 4 quân nhân thiệt mạng và 60 người khác bị thương.
Đây là vụ việc khiến Israel thiệt hại nặng nề nhất kể từ khi xung đột giữa nước này và Hezbollah leo thang.
Theo các chuyên gia, ngăn chặn UAV phức tạp hơn rốc-két nhiều và vụ việc hôm 13-10 không phải lần duy nhất phương tiện này gây thiệt hại cho Israel.
Một chiếc UAV khác do lực lượng Houthi ở Yemen bắn từng bay đến Tel Aviv. Đầu tháng 10, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết một UAV từ Iraq đã giết chết 2 binh sĩ ở Cao nguyên Golan. Chỉ tuần trước, một UAV khác đã nhắm vào một viện dưỡng lão ở miền Trung Israel.
Tiến sĩ Yehoshua Kalisky, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia tại Tel Aviv, nói với BBC: "Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các UAV đều do Iran sản xuất và sau đó cung cấp cho các nhóm vũ trang ở Lebanon, Iraq và Yemen".
Máy bay không người lái có tín hiệu radar nhỏ và có thể bay ở độ cao thấp khiến việc phát hiện sớm trở nên khó khăn. Thậm chí đôi khi chúng có thể bị nhầm là chim.
Chúng cũng khó bị chặn bởi tốc độ thấp hơn máy bay bình thường nhiều, chỉ khoảng 200 km/giờ. Các máy bay phản lực bay tới 900 km/giờ.
Truyền thông Israel cho biết trong vụ tấn công ngày 13-10, hai chiếc UAV của Hezbollah, rất có thể là Ziyad 107, đã bay qua không phận Lebanon phía trên Địa Trung Hải.
Một chiếc đã bị bắn hạ và chiếc còn lại biến mất - được cho là đã rơi - nên không có còi báo động nào được kích hoạt. Thế nhưng, nó tiếp tục tấn công căn-tin của một căn cứ quân đội.
Chuyên gia Sarit Zehani từ Viện nghiên cứu Alma - chuyên về an ninh ở biên giới phía Bắc Israel - không nghĩ rằng việc máy bay không người lái lọt qua được là do may mắn, mà là một bước trong kế hoạch của Hezbollah.
Bà cho biết có tiếng rốc-két và cảnh báo trên khắp khu vực biên giới khi UAV được phóng đi, "áp đảo" hệ thống phòng không và giúp máy bay không người lái vượt qua.
Viện nghiên cứu Alma đã thống kê được 559 vụ UAV vượt qua biên giới phía Bắc Israel để thực hiện nhiệm vụ giám sát hoặc tấn công kể từ khi xung đột bắt đầu cách đây một năm.
Không tính vụ tấn công Binyamina hôm 13-10, đã có 11 vụ thương vong do các cuộc tấn công bằng UAV.
Ngoài Iron Dome, các hệ thống phòng không của Israel như David's Sling, Arrow 2 và Arrow 3 đều được thiết kế để phá hủy tên lửa đạn đạo.
Chúng sẽ sớm được tăng cường bằng sự xuất hiện của một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD từ Mỹ, với 100 quân nhân Mỹ vận hành.
Tuy vậy, các giải pháp lâu dài hơn để chống lại UAV vẫn đang được Israel phát triển.
Tiến sĩ Kalisky cho biết các tia laser công suất cao đang được nghiên cứu và công nghệ khác là sử dụng pháo vi sóng để đốt cháy các thiết bị điện tử của UAV, tất cả sẽ có mặt trong tương lai gần.
Bình luận (0)