xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh

Thanh Thảo

"Thủ phủ công nghiệp" đã và đang sẵn sàng trong việc sử dụng những công nghệ về năng lượng tái tạo và phát triển bền vững từ những quốc gia tiên tiến cho bước tiến quan trọng của mình

Sau khi đề ra kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2030 với 4 mục tiêu và 18 chủ đề, để hiện thực hóa điều này, ngoài khai thông tiềm lực nội tại, Bình Dương không ngừng tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển.

Cơ hội nâng cao năng lực, học hỏi kinh nghiệm

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Anh tại TP HCM tổ chức Hội nghị chia sẻ về năng lượng xanh và định hướng nghiên cứu nhằm tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo. Dịp này, Tổng Công ty Becamex IDC; Trường ĐH Quốc tế Miền Đông (EIU - đơn vị thành viên của Becamex IDC) với các đối tác Q-Energy (Vương quốc Anh) và Phòng Kinh tế Thương mại Anh đã công bố dự án hợp tác về các giải pháp năng lượng giúp giải quyết các thách thức, thúc đẩy các sáng kiến xanh (dự án VIETPULSE).

Bà Emily Hamblin, Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TP HCM, cho biết chuyển đổi năng lượng xanh và tối ưu hóa sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn về cơ hội và thách thức ở Bình Dương cũng như các bài học hay từ Anh. "Chính phủ Anh coi trọng mối quan hệ đối tác với Việt Nam để ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi xanh" - bà Emily Hamblin khẳng định, đồng thời thông tin dự án VIETPULSE có một phần tài trợ do Vương quốc Anh cung cấp.

Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương và tỉnh Bình Dương di chuyển trên xe buýt điện trong chuyến đi khảo sát thực tế tại tỉnh Yamaguchi - Nhật Bản Ảnh: DƯƠNG NGUYỄN

Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương và tỉnh Bình Dương di chuyển trên xe buýt điện trong chuyến đi khảo sát thực tế tại tỉnh Yamaguchi - Nhật Bản Ảnh: DƯƠNG NGUYỄN

Nói về dự án VIETPULSE, TS Ngô Minh Đức, Hiệu trưởng EIU, cho biết: "Sau khi chính thức triển khai những hạ tầng cơ bản cho dự án như lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời, các trạm sạc xe điện, hệ thống pin lưu trữ năng lượng, trạm đổi pin xe máy 2 chiều... thì Q-Energy, EIU và các đối tác sẽ cùng phối hợp tiến hành nghiên cứu và triển khai hệ thống quản lý năng lượng nhằm tối ưu hóa việc tiêu thụ điện và tối ưu hóa việc lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ về dữ liệu lớn (Big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để điều phối các tài nguyên được sử dụng trong cùng một tổ hợp hạ tầng cơ bản; nghiên cứu xây dựng mô hình chia sẻ năng lượng giữa các đơn vị; từ đó triển khai với quy mô lớn hơn như trong các khu công nghiệp và cụm dân cư".

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho rằng chương trình hợp tác giữa Q-Energy và EIU không chỉ minh chứng cho sự ủng hộ, cũng như sẵn sàng trong thử nghiệm và ứng dụng công nghệ mới tại tỉnh Bình Dương mà còn là cơ hội để nâng cao năng lực, học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh và tối ưu hóa sử dụng năng lượng bền vững.

Nghiên cứu mô hình của Nhật

Thực hiện chương trình nghiên cứu đề án "Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050", mới đây, đoàn khảo sát, nghiên cứu của Hội đồng Lý luận Trung ương và tỉnh Bình Dương đã tới thăm Nhật Bản để nghiên cứu, tìm hiểu về mô hình, kinh nghiệm phát triển địa phương cấp tỉnh ở Nhật Bản.

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương (thành viên đoàn công tác), cho biết hoạt động này nhằm mục đích vừa tổng kết mô hình phát triển của Bình Dương trong thời gian qua cũng như định hướng cho sự phát triển trong thời gian tiếp theo. "Trong định hướng sắp tới, Bình Dương sẽ thực hiện chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính… Do đó, chuyến công tác lần này của đoàn là muốn học hỏi kinh nghiệm của tỉnh Yamaguchi" - bà Hạnh giải thích.

Thống đốc tỉnh Yamaguchi cho biết tại tọa đàm "Tìm hiểu về mô hình, kinh nghiệm phát triển của địa phương cấp tỉnh của Nhật Bản - tỉnh Yamaguchi" diễn ra ở Nhật Bản rằng tỉnh này đã dành riêng vốn ngân sách trung dài hạn trị giá 6 tỉ yen (khoảng 60 triệu USD) để thực hiện 5 dự án chiến lược, gồm: Các khu công nghiệp carbon thấp, nhiên liệu ít phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch; đáp ứng chuyển đổi xe điện, giảm thải carbon trong quá trình sản xuất; thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan đến môi trường và năng lượng như khí hydro; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp đưa vào sử dụng các thiết bị giảm phát thải; giảm phát thải trong lĩnh vực nông lâm thủy hải sản, tăng lượng hấp thu CO2 của rừng và quần thể đảo… Đồng thời, tỉnh này thành lập khu phức hợp công nghệ, trong đó Thống đốc là chủ tịch, thành viên là quản lý nhà máy của các doanh nghiệp thuộc khu phức hợp công nghệ. Với khu phức hợp công nghệ này, tỉnh Yamaguchi sẽ có các chính sách hỗ trợ như xây dựng và tăng cường cơ chế hợp tác khu vực; điều phối các dự án hợp tác; hỗ trợ tài chính cho các dự án; hỗ trợ về mặt quy chế; thúc đẩy cung cấp nguyên nhiên liệu ngay tại địa phương; tăng cường chức năng cảng biển hướng đến trung hòa carbon. Ngoài ra, chính quyền tập trung vào đặc điểm của tỉnh Yamaguchi - nơi các doanh nghiệp thuộc khu phức hợp công nghiệp đang sản xuất hydro để triển khai các sáng kiến sử dụng hydro từ sớm như dự án thử nghiệm ứng dụng hydro trong các hộ gia đình đầu tiên trên toàn quốc, dự án này đã được thực hiện năm 2004 - 2009, hay là thu hút nhà máy sản xuất hydro hóa lỏng thứ ba của Nhật Bản (năm 2011); năm 2015 đưa xe chạy nhiên liệu hydro làm xe công vụ…

Đoàn công tác cũng đã khảo sát thực tế các dự án phát triển đô thị TOD tại Tokyo, đồng thời tìm hiểu những giải pháp phát triển đô thị tối ưu và vượt trội mà Tập đoàn Tokyu thực hiện thành công trong thời gian qua tại địa phương này.

Bà Trương Thị Bích Hạnh cho biết sau chuyến đi này, Hội đồng Lý luận Trung ương đã có những kiến nghị, đề xuất với tỉnh: Cần quan tâm, nâng cao hiệu quả đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ chốt, tiên tiến, những ngành về giảm khí phát thải, giảm ô nhiễm môi trường và gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như công nghiệp bán dẫn, pin lưu trữ...; tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ cao; tỉnh có đề án về trung hòa carbon và phát triển công nghiệp của địa phương gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra hết sức mạnh mẽ hiện nay. 

Đào tạo nguồn nhân lực

Bình Dương sớm xây dựng quy hoạch phát triển và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp then chốt của tỉnh, hình thành các trung tâm, nhóm khoa học và công nghệ mạnh đủ giải quyết các nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực phát triển công nghiệp của tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên sâu, cán bộ quản lý nhà nước am hiểu về phát triển công nghiệp then chốt.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo